Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Cư xử với sách thế nào?

Sách - đồ thờ hay đồ vật?
TT - LTS: Sách nên được đối xử như thế nào bỗng nhiên trở thành một đề tài được cư dân mạng bình luận những ngày qua, khi sách và “sao” cùng xuất hiện trong một hình ảnh gây dư luận.

Hai tập sách mới của nhà báo Đỗ Đình Tấn và nhà báo Ngọc Trân - Ảnh: L.Điền
Cũng quan tâm đến chuyện “đối xử”, ở một góc nhìn khác, nhà thơ Dạ Thảo Phương vừa gửi đến Tuổi Trẻ một bài viết như một cách chia sẻ “nỗi lòng riêng” với sách.
Dư luận vừa ồn lên vì tấm ảnh trường quay có một đạo diễn và một người đẹp ngồi trên ghế được kê bằng sách. “Vô học”, “vô văn hóa”, “vô đạo đức”... - rất nhiều bình luận phẫn nộ nhắm vào hành động dùng sách kê ghế. Kèm theo đó, không ít những lời tụng ca sách, như thể những cuốn sách ấy là đồ thờ của cả xã hội.
Cá nhân tôi cho rằng sách không nên được coi như đồ thờ.
Tôi không phản đối những người thờ phụng sách. Nhưng tôi phản đối cá nhân mình thờ phụng sách. Sách chỉ là sách đọc khi nó được đọc, được suy ngẫm, được đối thoại cùng tâm tưởng, được biến thành một phần của bản thân người đọc, đến mức là... quên nhau đi.
Nói cách khác, mục đích quan trọng nhất của việc đọc là giúp ta sống trưởng thành hơn, có khả năng tư duy độc lập hơn. Độc lập với thói quen suy nghĩ của đám đông, độc lập với chính cuốn sách mình đọc.
Tôi sợ ngăn trở chính mình đến với mục đích đó nếu nhìn sách như đồ thờ, chỉ mải mê ngắm nghía, ca tụng nó cùng/với người khác, và sợ nhất là cả khi chỉ còn chính mình với trang sách.
Việc “đọc” một cuốn sách có thể được tiếp tục ngay cả khi người ta không còn cầm cuốn sách trên tay nữa, ngay cả khi người ta đã quên nó.
Khi một cuốn sách không được “đang đọc”, nó không còn là sách - để - đọc nữa. Tôi đã trải qua khoảng thời gian mê giữ rịt sách bên mình, sách chất quanh các giá cao ngất đến tận trần nhà, bao quanh phòng, xếp cả vào những ô thông gió... nhiều đến mức sách thành trở ngại cho không gian sống. Những cuốn sách không - được - đọc im lìm trên những ban - thờ - giá - sách, là những cuốn sách bị giam cầm, không có ích cho ai.
Bây giờ, tôi giữ lại bên mình rất ít sách. Số lượng sách được giữ lại chỉ chiếm một phần cực nhỏ số lượng sách mua. Khi có thời gian, tôi lựa ra những cuốn mình không đọc nữa đem tặng cho những người có thể thích nó. Trong số đó có cả những cuốn sách là tác giả tặng, tôi nắn nót đề thêm dòng chữ “Dạ Thảo Phương trân trọng tặng lại” dưới lời đề tặng của tác giả. Tặng sách của mình cho người khác, nếu không được yêu cầu, tôi không đề tặng để họ thoải mái tùy ý sử dụng. Những cuốn “mua nhầm” mà không tặng được cho ai, tôi cho vào thùng rác tái chế để giấy được tiếp tục sống những kiếp giấy không vô ích.
Ở Nhật, Pháp, Đức, Ý... ngoài đường, trên tàu, trong công viên, quán cà phê, đâu đâu cũng thấy người đang đọc sách. Ở Canada, tôi từng đến những nhà xã hội, nơi có thư viện cho người vô gia cư đến đọc sách và dùng Internet miễn phí.
Ở VN, hiếm thấy ai “dám” đọc sách nơi công cộng. Nhiều người có học thản nhiên vứt rác ra đường, quát tháo chốn đông người, nói chuyện điện thoại giữa phòng họp, trong nhà hát, chòng ghẹo phụ nữ. Thản nhiên mua sách lậu, thản nhiên ngửa tay xin sách về trưng lên kệ.
Coi sách mình sở hữu như đồ thờ hay đơn giản là một đồ vật là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân.
Với riêng tôi, nếu thật sự trân quý người viết, việc viết, việc đọc, thật sự trân quý sách, hãy ra hiệu sách và... mở ví. Và mở bản thân mình cùng với việc mở sách.
DẠ THẢO PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét