Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

ST giúp bạn để biết thêm một chút về Khổng Tử

Tìm hiểu các mốc thập niên trong đời người


Khổng phu Tử
             Các mốc tuổi đời người được tính theo thập niên thường được nghe như  : tam thập . . . tứ thập . . . ngũ thập . . .v. v.   Nhiều người trong chúng ta vẫn quen nghe, thậm chí có đôi lần nhắc đến , nhưng chưa hẳn ai cũng nắm rõ ý nghĩa và xuất xứ.  Mời cùng tham khảo tư liệu sau
 
       Khổng-Tử đã kể lại các giai-đoạn thành-đạt của cuộc đời ngài như sau: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" (Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên-chú vào việc học, ba mươi tuổi mới tự-lập, bốn mươi tuổi mới thấu-hiểu hết sự lý trong thiên-hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến-thức và kinh-nghiệm hoàn-hảo để có thể phán-đoán ngay được mọi sự-lý và nhân-vật mà không thấy có điều gì chướng-ngại khi nghe được, và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý-muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý).

1- Ngô Thập Hữu Ngũ Nhi Chí Vu Học
Cả câu "ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học" có nghĩa là khi tới 15 tuổi, ta mới có thể tự-mình chuyên-tâm vào việc học.

2- Tam Thập Nhi Lập (三十而立)
"Tam thập nhi lập" có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì sức tự-lập mới có thể chắc-chắn và vững-vàng.

3- Tứ Thập Nhi Bất Hoặc (四十而不惑)

"Tứ thập nhi bất hoặc" có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự-lý trong thiên-hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu và biết được cái gì nên làm hay không.

4- Ngũ Thập Nhi Tri Thiên-Mệnh (五十而知天命)
"Ngũ thập nhi tri thiên-mệnh" có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông-suốt chân- lý của tạo-hoá, tức là hiểu được mệnh của trời.

5- Lục Thập Nhi Nhĩ-Thuận (六十而耳順)
"Lục thập nhi nhĩ-thuận" có nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ hoàn-hảo về mặt tri-hành, kiến-văn, và kinh-nghiệm về cuộc sống. Nhờ đó, người ta có thể nhận-xét và phán- đoán được ngay tức-khắc và chính-xác về các sự-kiện và nhân-vật trong thiên-hạ. Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng-ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ.


6- Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục Bất Du Củ (七十而從心欲,不踰矩)
"Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" có nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình- trạng rất hoàn-hảo về cách xử-sự và xử-thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự-nhiên thể-hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn-khổ của đạo-lý hay lẽ thường.
Khổng Tử


Có thơ vui rằng:

Tam thập ma nhập
Tứ thập làm cái chi thì làm gấp gấp
Kẻo rồi ngũ thập run lập cập tới nơi
Hơi sức đâu mà ngồi tri thiên mệnh.

                     ------------------------------------------------------------------------------   
          
Khổng Tử (chữ Hán: 孔子; còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子; 27 tháng 8 âm551 –11 tháng 4 479 TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng ngườiTrung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Chính phủ Trung Quốc hiện nay, trong nỗ lực truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, đã cho thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Nhiều khía cạnh tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn lưu truyền và phát huy đến tận ngày nay. Có được sự trường tồn đó, là ở tinh thần đam mê học hỏi và thái độ nghiêm túc đối với việc học của Khổng Tử. Ông nói: "Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình".                   Theo Ông, đã không học thì thôi chứ đã học là phải "Học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh"
                                     Một số câu của Khổng Tử đáng suy ngẫm
  • Đừng lo mình không có chức vị, chỉ lo mình không đủ tài để nhận lấy chức vị
  • Gỗ mục không thể khắc
  • Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng
  • Muốn biết người phải nghe họ nói
  • Dụng nhân như dụng mộc
  • Càng lên cao, chân trời càng xa, tầm mắt càng rộng
  • Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng, vì rượu đã làm cho lắm người gục ngã.
  • Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho rõ, làm cho hết sức.
  • Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người.
  • Học đi với hành, không chỉ nói cho qua chuyện
  • Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời. (Trong việc trị quốc, phải thận trọng không hứa ẩu, biết đãi người hiền, phải được lòng dân)
  • Trị dân dùng pháp chế, hình phạt là chính, dân không dám làm điều phạm pháp, trị dân dùng đạo đức, dùng phép tắc, lòng tốt và nhân cách sẽ cảm hoá được dân
  • Ngẫm nghĩ việc xưa để hiểu việc nay, hành vi đáng làm thầy người khác
  • Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết
  • Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc
  • Không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy
  • Bản thân làm điều phải, không ra lệnh người cũng nghe; không đúng thì có ra lệnh người cũng không nghe
  • Tụ họp nhau cả ngày, nói năng tào lao, làm những điều nhỏ mọn, nguy lắm thay!
  • Sinh ra mà đã biết, là bậc tiên; học rồi mới biết, là bậc thứ; gặp cảnh khốn nạn rồi mới chịu học, lại còn thấp hơn nữa. Thấp nhất là gặp cảnh khốn nạn rồi mà vẫn không chịu học
  • No cơm rửng mỡ chẳng có gì để làm. So với giới cờ bạc, họ còn tệ hơn nữa, vì ít ra giới cờ bạc cũng có việc để làm
  • Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học.
  • Bạn bè giúp ích cho ta có ba hạng, bạn bè làm hại ta cũng có ba hạng. Bạn ngay thẳng, bạn rộng lượng, bạn nghe biết nhiều, là những người bạn giúp ích cho ta. Bạn vờ vĩnh, bạn khéo chiều chuộng, bạn khéo nói, là những kẻ làm hại ta
  • Có ba điều ưa thích có ích, có ba điều ưa thích có hại. Ưa thích lễ nhạc đúng nghi tiết, ưa thích điều thiện của người đạo đức, ưa thích được nhiều bạn hiền, ba điều đó là có ích. Ưa thích thú vui quá đáng, ưa thích chơi bời phóng túng, ưa thích yến tiệc, ba điều đó là có hại vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét