Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Noi duy nhat co Lang Kinh Duong Vuong


Bắc Ninh - nơi duy nhất có lăng mộ thủy tổ nước Nam

Lâu nay, nói đến Bắc Ninh, người ta thường chỉ biết đến là quê hương của những làn điệu Dân ca Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại mà ít người biết rằng, Bắc Ninh còn là miền đất hội tụ nhiều bậc thủy tổ như: Thủy tổ Hán Học - Sĩ Nhiếp, Thủy tổ Phật giáo - chùa Dâu, Thủy tổ Quan họ - làng Diềm và đặc biệt là Thủy tổ dân tộc đang được thờ phụng trong khu di tích lịch sử văn hóa Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành). Đây là nơi duy nhất trên cả nước hiện đang còn lưu giữ phần mộ “Nam Bang thủy tổ” (thủy tổ nước Nam) và là điểm đến quan trọng cho mọi người dân đất Việt hành hương về với cội nguồn “vấn tổ tầm tông”.
Tựa mình bên triền đê uốn lượn, dưới tán cây cổ thụ, Lăng Kinh Dương Vương được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao, uy nghiêm với kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo, phần mộ đặt chính hướng Bắc nhìn thẳng ra dòng Thiên Đức cuộn đỏ phù sa. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840) triều Nguyễn đã cho tu bổ lăng và lập bia với 4 chữ “Kinh Dương Vương lăng”. Toàn bộ diện tích khuôn viên Lăng mộ rộng hơn 20 nghìn m2 có nhà tả văn, hữu võ, nhà bàn soạn, nhà trình và còn bảo tồn được vườn cây cổ thụ xanh mát quanh năm. Ông Phạm Thuận Thành, hội viên Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, người gắn bó máu thịt với từng làng, xã của quê hương Thuận Thành từng tự hào khẳng định: “Lăng Thuỷ tổ nước Việt là nơi neo giữ, cố kết tâm hồn Việt thành dân tộc, thành quốc gia từ bao đời nay. Mỗi lần đến đây, lịch sử mấy ngàn năm như lời nhắc mỗi người dấu thiêng thời mở nước”…

Các bậc cao niên làng Á Lữ cho biết: Những bức đại tự, câu đối, sắc phong hiện còn lưu giữ tại đây cho thấy Lăng Kinh Dương Vương thời xưa được xếp vào hàng miếu thờ đế vương các triều đại, mỗi lần tổ chức quốc lễ đã ban sắc, gia phong mỹ tự, sai quan đến tế lễ trang nghiêm, trọng thể, đồng thời cho tu bổ, tôn tạo và lập bia…

Cách Lăng mộ không xa, phía trong đê là Đền thờ Kinh Dương Vương còn lưu giữ rất nhiều đạo sắc phong, thần phả, đồ thờ tự, câu đối, bia ký có giá trị đã chứng tỏ việc thờ cúng các vị Thủy tổ dân tộc ở Á Lữ có từ rất xa xưa. Qua đó, khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong đời sống tinh thần của người dân địa phương cũng như sự tôn thờ, ngưỡng vọng của các triều đại lịch sử đối với tiên tổ. Năm 2008, cụm di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì Kinh Dương Vương chính là ông nội của các Vua Hùng, còn theo sự dẫn giải từ các nguồn tài liệu, sử sách lưu lại cho thấy: Thần Nông lấy Nữ Long rồi sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế sinh ra Đế Minh. Đế Minh đi tuần phương Nam lấy Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục tài đức, thông minh hơn người được Đế Minh phong là Kinh Dương Vương cai quản phương Nam. Kinh Dương Vương thành lập nhà nước sơ khai đầu tiên và đặt quốc hiệu đất nước là Xích Quỷ (tên một vì sao sáng nhất của dải Ngân Hà). Kinh Dương Vương lấy Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ rồi sinh ra 100 người con, con trai cả là Hùng Quốc Vương và các Vua Hùng hiện thờ tại Đền Hùng (Phú Thọ). Kinh Dương Vương tạ thế vào ngày 18 tháng Giêng tại Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Về sau, nhân dân địa phương đã lấy ngày 18 tháng Giêng hàng năm để tổ chức lễ hội, bày tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên và đón tiếp nhân dân mọi miền tổ quốc về dâng hương, bái yết tri ân, tưởng niệm Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ. Lễ hội Kinh Dương Vương còn là dịp thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời phản ánh nét sinh hoạt, văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng Đồng bằng sông Hồng.

Những năm qua, khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đã được các cấp, các ngành và nhân dân địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo tương đối khang trang, các hạng mục công trình cơ bản được khôi phục theo nguyên gốc. Tuy vậy, việc phát huy giá trị của khu di tích gắn với hoạt động du lịch vẫn còn rất hạn chế. Đa phần khách du lịch đến đây thời gian qua đều mang tính tự phát. Những yếu tố cần thiết và quan trọng để thu hút khách du lịch tại đây vẫn còn hết sức sơ sài: hoạt động lễ hội mới dừng lại ở quy mô nhỏ, diễn ra trong thời gian nhất định, các hoạt động phần hội còn khiêm tốn nên du khách rất khó tiếp cận; chưa có hướng dẫn viên; thiếu các dịch vụ bổ trợ cho hoạt động du lịch như ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, lưu niệm…; tính gắn kết giữa khu di tích với các di tích lịch sử và điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn chưa cao, nhất là chưa có sự phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tour, tuyến du lịch; hiệu quả của công tác tuyên truyền còn yếu… Chính vì vậy, việc thu hút khách du lịch hiện còn nhiều khó khăn.

Để phát huy có hiệu quả hơn nữa giá trị khu di tích nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch chung của tỉnh, đồng thời đưa quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù của miền Quan họ, ngoài việc sớm khắc phục những hạn chế nói trên, vừa qua, Bắc Ninh đã công bố rộng rãi Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử văn hóa quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương với quy mô hơn 36 ha có tổng mức đầu tư dự toán gần 500 tỷ đồng. Đây là Quy hoạch được lập ra trên cơ sở của những luận cứ khoa học và thực tiễn, tương xứng với tầm vóc, giá trị lịch sử của khu di tích. Mục tiêu là thể hiện sự tri ân với tổ tiên, giữ gìn di sản của dân tộc, đồng thời góp phần khai thác, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử phục vụ phát triển du lịch.

Bằng trách nhiệm đối với tổ tiên dân tộc, các ngành, các cấp cùng nhân dân địa phương đã, đang và sẽ bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích. Hy vọng, trong tương lai không xa, quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương sẽ khang trang, bề thế tương xứng với tầm vóc lịch sử và công lao “khai sinh lập quốc” trở thành điểm đến của muôn dân đất Việt cũng như du khách quốc tế. 

Bài, ảnh: Thuận Cẩm- BBN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét