Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013



Trở về của linh hồn

Vinh Nghĩa
Mờ sáng một ngày cuối năm Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cao Lãnh còn trong sương đêm lãng đãng. Ánh điện bên chợ Mỹ Thọ cũng chỉ đủ hắt những tia sáng lờ mờ quanh khu đài tưởng niệm, nghĩa trang rộng mênh mông, các chiến sỹ xếp thành 10 khu theo hình dẻ quạt quây quanh tượng đài “ Mẹ Miền Nam” dang tấm khăn rằn che chở cho 5 chiến sỹ đang trong tư thế tiến công. Ngay giữa lồng ngực to lớn của mẹ, một lỗ thủng như sức công phá của viên đạn M79 thành hình ngôi sao 5 cánh. Gió Đông Bắc tràn qua đó tạo nên những tiếng u u triền miên. Trong không gian yên tĩnh của vùng châu thổ Đồng Tháp Mười, tiếng âm u càng não nuột.
  
Nghĩa trang có 3 khối mộ, xếp hàng ngay ngắn chỉnh tề theo hình vòng cung. Hàng thẳng tắp, các ngôi mộ được khoác lên mình bộ đồng phục mới. Đồng phục là cây bông Trang [1] , bia mộ có số và hình ngôi sao sáng ngời, trên mỗi ngôi mộ có một đoạn ống nhựa dùng để cắm nhang,  Mỗi khu có thể là một đại đội, cả nghĩa trang dễ có đến một trung đoàn đủ cơ số. Không có  khu riêng cho trung đoàn bộ hay tiểu đoàn bộ, mà hình như cũng chẳng có chính ủy hay tư lệnh gì hết. Ở đây bình đẳng nhưng kỷ luật nghiêm ra trò. Thì cứ xem anh em đứng nghiêm cả mấy chục năm, không thay đổi tư thế, vẫn nghiêm trang, vẫn thẳng hàng. Đã qua ba, bốn bận ủy ban huyện Cao Lãnh cho tu bổ, xây dựng nâng cấp mà anh em vẫn giữ vững đội hình, không thay đổi vị trí, không thay đổi tư thế trong đội hình xum họp một nhà.
Hóa ra mỗi ngôi mộ là một ngôi nhà của liệt sỹ, nhà nguyên vẹn đấy, việc nội vụ đã có quản trang chăm lo hàng ngày, lâu lâu các cháu học sinh, thanh niên trong huyện đến cùng quét dọn, chăm sóc, tưới bón cho các khóm bông trang trên nóc nhà liệt sỹ nên khu của các anh chị vẫn sach đẹp.
Các liệt sỹ thả sức đi chơi, các anh bay lượn khắp vùng, đến bất cứ đâu các anh muốn. Hồi mới tập trung về đây nhiều anh nhớ quê, nhớ đơn vị cũ, nhớ những người thân yêu, nên đã đi lang thang về nơi họ thích. Gần sáng không cần hiệu lệnh thu quân, họ nhanh nhẹn luồn qua nhánh bông trang chui vào “nhà” sẵn sàng trong tư thế thường trực chiến đấu…
Lê Doãn Yên ở lại huyện này đã 40 năm. Những năm đầu, hàng đêm anh bay về bên sông Đuống quê anh, tìm đến tận mái nhà anh ở làng Đại Mão, nhưng chẳng ai nhận ra anh, vì không ai có nổi sức siêu nhiên để nhìn thấy anh mặc dù anh nhìn rõ họ. Lâu rồi đâm nản, hàng đêm anh lại cùng các chiến hữu đi loanh quanh vùng Đầm Tràm Dơi nơi tiểu đoàn của anh được Quân khu 8 điều về tham gia chiến dịch dành đất, dành dân xóa tình trạng vết “da beo” và bảo vệ căn cứ huyện ủy Cao Lãnh đóng ở ấp 2 xã Mỹ Thọ. Bao nhiêu năm rồi nhưng anh vẫn nhớ đinh ninh nhiệm vụ cấp trên giao phó cho trung đội anh  trước khi rời căn cứ trên “R” về vùng Mỹ Thọ. Trung đội anh chốt tại ấp Mỹ An, gần sát trục lộ 30 nối Cao Lãnh với tỉnh lộ 4. đấy là con đường huyết mạch nối thị xã Cao Lãnh với Sài Gòn. Xóa được vết da báo Mỹ Thọ là chặt đứt đường tiếp viện của vùng 4 chiến thuật với thị xã Cao Lãnh, bảo vệ được căn cứ Đầm Tràm Dơi của Huyện ủy Cao Lãnh và căn cứ Xẻo Quýt của Tỉnh ủy Đồng Tháp đồng thời dành dân dành đất cho cách mạng tạo thế thuận lợi cho hội nghị Paris.
Tổ ba người của anh được điều vào sống ở vườn nhà má Tám. Các anh đào hầm ngay trong vườn, sát với con rạch. Má Tám là một cơ sở của Cách mạng từ lâu. Má vẫn gọi anh là thằng Ba. Má bảo: Tụi bay ở miền Bắc, hòa bình chắc là sung sướng vậy mà phải zô đây dánh Mỹ, tau thương lắm. thằng Ba Yên chưa vợ hả?, khỏi lo mày. Ở đâu có dân , ở đó có vợ nghen. Ưng con nào ở ấp Mỹ An này, tau làm mai cho. Má có 4 người con, chồng má hy sinh từ hồi chín năm trên huyện Tháp Mười. con gái lớn của má, hai Thảo lấy chồng mãi tận Lai Vung bên kia sông Tiền. thằng Ba, má cho đi trốn quân dịch trên Sài Gòn, trốn chui, trốn nhủi được 1 năm thì bị bắt lính ở xa cảng Miền Tây. Cậu Hai nó chạy tiền cho bọn quân lực để không phải ra trận. Hiện nó đóng lính mãi trên Tân An.. Má kêu đào ngũ mấy lần mà nó không nghe. Thôi coi như bỏ, má thương mày Ba ạ. Vậy mày  là thằng Ba của tau..
Có lần bọn anh đang ngồi lau súng trên vườn thì nghe tiếng lao xao ngoài lộ 30: “Thằng Ba nhà bà Tám nó ziề kìa”. Tiếng người này nối người kia vọng xuống vườn. Các anh vừa rút lẹ xuống hầm thì thằng Ba  trong bộ civil khệnh khạng vô nhà. Các anh nép mình trong miệng hầm, khẩu AK sẵn sàng nhả đạn. Qua cành lá ngụy trang anh thấy thằng Ba vào nhà. Tiếng nó oang oang, không ra tức giận không ra hờn rỗi.:”Má cùng con Tư thằng Năm lên Tân An sống với tui đi, vùng này Quốc Gia sẽ “bình định” trắng đó. Chiến tranh sắp hết rồi, họ họp với nhau ở Ba-Lê. Cũng không bên nào thắng đâu má ơi. Rồi lại giống sau hồi chín năm, lại hòa bình, ai ở đâu, thì ở nguyên đó. Cộng quân Bắc Việt sẽ phải rút hết về Bắc. Mỹ nó chịu rút quân rồi thì miền Bắc phải nghe theo thôi. Con biết mấy sư đoàn của vùng 4 chiến thuật sẽ tái chiếm tất cả các khu dân cư thị tứ, dồn Việt Cộng về các vùng bưng. Khi nào Cao Lãnh tạm yên thì má lại về…
Tiếng má Tám thủng thẳng. “ Tui không đi đâu hết trơn đó nghen. Tui phải cúng quải và gìn giữ phần mộ ông bà và bố anh chứ. Bỏ đi thì ai trông nom? Tui còn phải giữ mấy công ruộng cho anh, sau này anh quay về còn có chỗ mần ăn chứ..     
Thằng Ba có vẻ hạ giong: zậy má đừng hoạt động cho Cộng Sản nữa. Không cho con Tư đi du kích .. mai kia Quốc gia bình định xong,  họ trả thù đó.. Tui biết, má vẫn nuôi Việt Cộng trong vườn, nhìn đám lục bình, lá bạc má lật ngược là tui biết ngay hà. Tùy má tui đi đây..
Mấy anh em dưới hầm chợt rùng mình. Nó biết có mình ở đây, nhưng phải giữ bí mật, phải giữ an toàn nên các anh chỉ biết ghì chặt  báng súng. Nó đi, các anh báo cáo tình hình lên cấp trên. Sáu Nhanh đại đội trưởng nói chắc như đinh đóng cột: “Cho kẹo nó cũng không dám dẫn lính về đâu.”
Tư Hồng con gái má đã mấy lần được trên phân công dẫn tiểu đội anh đi phục kích trên lộ 30. Nằm sát bên Tư, tim anh đập rộn ràng, hơi thở và da thịt con gái làm anh sốn sang, định bữa nào rảnh rang anh ngỏ lời với Tư,
Thế rồi đêm hôm 26 tháng 10 năm 1970, trong lúc truy kích bọn “bình định” ở chân cầu Xáng, anh bị dính mấy viên AR15. Đồng đội băng bó cho anh, đưa anh về. Tư thay băng, làm thuốc cho anh mà nước mắt Tư cứ ròng ròng. Anh tắt thở trên tay Tư. Đơn vị làm lễ truy điệu anh trong tiếng khóc nức nở của Tư. Anh biết hết, người ta chôn thi thể anh ngay sau vườn má Tám. Anh mới 25 tuổi, đến hôm nay đã là 40 năm 2 tháng mà anh vẫn ở tuổi 25. anh nằm đó cho đến cuối năm 75 họ tắm rửa cho anh rồi đưa anh về nghĩa trang huyện Cao Lãnh, nằm trong đội hình từ ngày đó đến giờ. Số mộ của anh 0270, may mắn hơn nhiều bạn bè khác là anh còn đầy đủ tên họ, quê quán, phiên hiệu đơn vị trước lúc hy sinh. Nhiều bạn anh chỉ có số mộ mà tên thì không, gọi là “Mộ chưa rõ tên” hay là mộ vô danh thì cũng vậy. 
Anh vẫn gặp Tư, muốn nói chuyện với Tư nhưng Tư không nghe được lời của anh. Thi thoảng có lần nàng cười với anh, thế là anh mãn nguyện. Nàng vẫn thế, hòa bình, bạn bè lấy chồng sinh con đẻ cái nhưng nàng vẫn ở nhà làm ruộng nuôi má Tám cho đến khi má mất, Đàn ông họ đến với Tư nhưng Tư chỉ lắc đầu. Bây giờ Tư đã trên 60 tuổi. Nhiều đêm anh bay đến nhà Tư, thấy Tư tuổi già mất ngủ đang lọ mọ đun nấu gì trong bếp.  Nhà Tư khang trang hơn trước, đã cất nhà lầu ngay ở ấp Mỹ An, sát với chỗ căn hầm cũ của  các anh. Anh bay sát đến chỗ Tư ngồi, gọi to Tư ơi mà Tư không nghe được. Thằng Ba, anh của Tư nó ở Mỹ, gủi tiền về cho Tư xây lại mộ ông bà. Lâu lâu nó về quê, cùng đi với Tư ra nghĩa trang thắp nhang trước mộ của anh.
Sáng nay vừa bay về nghĩa trang anh thấy bạn bè sôn sao. “ báo động, báo động” Hiệu lệnh chưa dứt toàn bộ liệt sỹ đã tập trung bên tượng đài trung tâm. Gió vẫn thổi u u qua lỗ thủng hình sao năm cánh của Mẹ tượng đài. Bạn bè anh bay qua lại rối rít. Tin đã rõ, mới mờ sáng mà đã có một cậu trai trẻ đến ngồi trước tượng đài, dáng điệu mệt mỏi chứng tỏ vừa ở vùng xa tới đây. Nghe nói cậu là cháu ruột của của Lê Doãn Yên, cậu từ Kiên Giang về đây, gặp đoàn từ ngoài Bắc vào đón Lê Doãn Yên về quê. Anh nhìn cậu thanh niên, trông chững trạc, có học thức, hình như quen quen. Con nhà ai mà anh không biết nhỉ ?. Anh ghé tai nó hỏi mà nó làm thinh như không nghe thấy gì, chỉ khẽ rung mình rồi kéo cao cổ áo. Nó lim dim ngủ.
Cả trung đoàn đang lao xao như chợ vỡ mà nó cứ gục đầu vào ghế đá ngủ thiếp …”Không cho về “… “anh em đồng đội sống chết có nhau không được xa nhau”… Bao nhiêu năm nay bây giờ mới có đội hình đẹp nhất, phải giữ vững đội hình..
Cả trung đoàn, một rừng bóng ma, gần 2 ngàn linh hồn sát cánh bên nhau. Bay lượn ra oai với cậu thanh niên. Nghị quyết đã ra “ Lê Doãn Yên ở lại, “ cả trung đoàn liệt sỹ giơ cao tay, những cánh tay gầy nhẳng chỉ còn xương không trong bộ đồng phục gabadin màu cỏ úa rách rưới, túm víu nhiều chỗ giơ cao cùng đồng thanh: không đi, không đi ..gần 2 ngàn  linh hồn sát cánh để giữ lại một đồng chí, để đội hình không thiếu một tay súng,  để chị Tư du kích năm nào còn có chỗ ra thăm anh em đồng đội. Hình như họ quyết tâm lắm. người Âm mà quyết  thì đừng ai cản được họ, họ chỉ có phù hộ độ trì cho những người đang còn trên Dương thế. Chứ ai dám trái ý người Âm?, thiếu gì cách làm để cản trở đám người Dương thế.  Chỉ cần làm tắt nhang khi họ cầu khấn thổ thần là cả lũ mặt xanh, cao thủ hơn nữa là cho cậu nào bắn một mảnh đá vào tay kẻ đào mộ thì công việc phải dừng lại ngay tắp lự. Mỗi linh hồn một ý, ai cũng có sáng kiến cản trở công việc của người Dương thế.  Lúc ấy chú Hai huyện ủy viên, người hy sinh trong trận Vàm Xáng khi mới bước vào tuổi 49, gần 40 năm qua chú vẫn ở tuổi 49, lúc đó mới chậm rãi nói: Không phá hỏng đội hình là nghị quyết bao nhiêu năm nay của chúng ta. Nhưng giữ vững đội hình để làm gì khi người thân của anh em từ ngoài Bắc xa xôi, họ mất bao nhiêu công sức đi tìm hài cốt thân nhân liệt sỹ, Thằng Yên có tên  tuổi quê quán đầy đủ mà 40 năm nay họ mới tìm được. Còn bao nhiêu anh em không rõ tên tuổi, quê quán thì người nhà của họ biết đâu mà tìm. Những nhà ngoại cảm có khả năng nói chuyện được với chúng ta không có nhiều mà có phải lúc nào họ cũng tìm được chính xác đâu? Khi họ tin đó là hài cốt người thân của họ thì bằng mọi cách họ cũng mang về quê được, cho phép thì họ lấy đàng hoàng, không cho thì đêm họ đào trộm. Quê hương đã sinh ra những chàng trai đi chiến đấu giải phóng đất nước, nay còn nắm xương tàn phải cho họ mang về quê  thờ phụng chứ, để thân nhân họ yên ổn làm ăn xây dựng quê hương. Nếu cứ giữ vững đội hình ở đây, 40 năm rồi mà anh em chúng ta cứ ngất ngây mãi với những chiến công trước kia của mình, lòng người  trên dương thế không yên, dân tộc không hòa hợp là có tội với tổ quốc đó. Hãy cho thằng Ba về quê. Cần gặp nhau, hú một tiếng là chúng ta lại có mặt phải không? Vậy ý tôi thế này: nếu huyện tán thành thì cho họ làm êm đẹp. anh em thấy sao?
Nghe đến đấy đám linh hồn lính trẻ hô vang : đúng đó thủ trưởng ơi! Thủ trưởng muôn năm, thủ trưởng muốn nằm… đám linh hồn có số nhưng không tên khóc lóc thảm thiết,: Chúng tôi có tên, có tuổi mà chịu “Vô Danh”, ai trả lại tên cho chúng tôi ?
Lê Doãn Yên cùng cả đám bay lượn quanh người lính già, tiếng reo hò hoan hỷ và khóc lóc thảm thiết kéo dài không dứt.
Chợt ngoài cổng chiếc Isuzu  đời mới đỗ sịch. Cậu thanh niên chạy ra, đoàn 7 người cả lái xe vui vẻ đón cậu. Chú Hai ra hiệu cho anh em im lặng. Lê Doãn Yên bay vụt qua chỗ đám người mới đến. hình như người già nhất là em trai của anh: thằng Bốn. anh gào lên: anh đây Bốn ơi, mày con nhớ chúng mình gặp nhau trên đường Trường Sơn khi anh đang điều trị ở bệnh xá đường dây 559 không? Ngày ấy đang cơn sốt rét rừng, tao nghe tin có đoàn lính Hà Bắc đi qua, tao vùng dậy đi tìm thế là gặp mày, Tao cho mày cái đồng hồ Viler mà mày không chịu nhận. Thế rồi năm 1969 mày ở tận Tỉnh đội Tây Ninh, băng qua Long  An mày đi tìm tao ở trên cứ Tháp Mười. Từ đó biệt tin mày. Anh cứ bay lượn trên đầu ông Bốn mà nói, nhưng ông Bốn đâu có nghe thấy gì. Anh em chiến hữu theo lệnh của chú Hai nhanh chóng ai về nhà nấy, lấp ló sau bụi bông Trang nhìn ra.  Chú Hai huyện ủy viên bay lên khu tượng đài, chú ngồi trầm tư theo dõi . Chú ngoắc tay cho Lê Doãn Yên tới gần, thì thào đủ cho Yên nghe.
Ông Bốn mang lễ vật lên thắp nhang trên tượng đài. Có cả các cán bộ phòng thương binh Xã hội huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Ông Bốn đang lầm rầm khấn vái, trong khói hương nghi ngút ông trông thấy Lê Doãn trước mặt, giọng ông nấc lên : Anh ơi bao nhiêu năm rồi cả nhà đi tìm anh, may mà có chương trình “đi tìm đồng đội” của hội Cựu Chiến binh thông tin, nên chúng em mới biết mà đón anh về. hai anh em ôm lấy nhau khóc nức nở: sao Anh gầy thế, quân phục rách hết rồi... Tao là Ma, chỉ có xương thôi, gầy béo gì. họ chỉ cúng tao bằng hương hoa chứ có cúng quân trang bao giờ đâu, ở quê có đốt mã cho tao quần áo thường dân nhưng tao chỉ mặc quân phục thôi. Bộ này hơn 40 năm rồi, rách là phải, tao là ma, chả cần đẹp.. Thầy mẹ chờ anh mãi không có tin tức gì, thầy mẹ mất cả rồi anh ơi. ..Tao gặp thầy mẹ rồi. Thầy mẹ nói chúng mày bây giờ cuộc sống đã khá hơn xưa, thương thầy mẹ nghèo khổ mãi đến lúc con cái khá giả thì không còn. .. Em đón anh về quê nhé, Con trai em nó đến đây từ sớm đó, nó kia kìa, Anh còn nhớ thằng Huynh con anh Miện không.. à tao nhớ rồi, tao phải lấy mỏ lết để tháo bánh xe khi nó bị kẹt chân vào nan hoa xe đạp… Cái Lan chị thằng Huynh và chồng nó đấy… Ôi cái Lan tao từng cõng nó đi chơi khắp xóm đấy. Thằng Vũ là chồng nó phải không? Nhà ở đầu ngõ chứ gì .. Ôi chúng nó già hết cả rồi… Vâng 40 năm rồi  anh ơi...    Chúng em đến đón anh về quê đấy., anh còn ước nguyện gì trước lúc về  không… Về cũng được, thủ trưởng của tao đồng ý rồi. nhưng tao ở đất Cao Lãnh này còn lâu hơn thời gian tao sống ở quê, không dễ mà chia tay ngay được..  Anh cứ đi chia tay, khi nào em hú : ba hồn bảy vía anh ở đâu thì theo em về nhé.
Nắm nhang trên tay ông Bốn khói bay nghi ngút, một làn gió lạnh thoáng qua, ông khẽ rùng mình quay lại với thực tại, trên khuôn mặt  già nua khắc khổ những giọt nước mắt lăn dài trên gò má.    
Doãn Yên bay đi chia tay đồng đội, giọng anh nghẹn ngào: Chào anh em ở lại, .  họ lại tíu tít với nhau, họ chào nhau theo nhiều kiểu khác nhau, một giọng của ai nhắc anh đi chia tay cô Tư Hồng, anh vụt bay về Mỹ An, nhà Tư đóng cửa, vòng qua mấy nhà anh mới biết Tư sáng nay đi Lai Vung ăn đám cưới con trai chị Hai Thảo. Lòng anh như lửa đốt. Thế là lại không gặp Tư. Anh muốn chào Tư lần chót mà cũng không được.. đúng lúc ấy tiếng hú của ông Ba vọng đến : Ba hồn bảy vía anh Lê Doãn Yên ở đâu nhanh chóng về nhập cốt để em đưa anh về quê. Như một quân lệnh anh nhanh chóng bay về, nhập vào chiếc ba lô đeo trước ngực ông Ba, lên xe về Bắc.
                                                       Tháng 12 năm 2010
                                                          





[1] Bông Trang , miền Bắc goi là hoa Mẫu Đơn 

      Chú thích của biên tập : Tác giả truyện ngắn trên là một Cựu chiến binh - quê gốc Hà Nội, hiện sống ở Quận 2 TP HCM. Ông là con rể của Hoài Thượng . Nhân dịp Thư viện Đại Mão ra đời ông  muốn góp một truyện ngắn sáng tác nhân dịp đưa LS Lê Doãn Yên ( Đại Mão ) về quê.
                                       Xin chân thành cám ơn tình cảm của tác giả  với Thư viện Giũa Làng! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét