Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

SƯU TẦM :TÌM HIỂU VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG Ở ĐÌNH LÀNG

TÌM HIỂU VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG Ở ĐÌNH LÀNG


                       THÀNH HOÀNG

                            ( Nguồn:Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

            Thành hoàng (chữ Hán: 城隍) là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam. Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng & đều mang tính chất chung là hộ quốc tý dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.

 Tên gọi

Sưu tập các sắc phong thần Thành hoàng thời Tây Sơn, hiện trưng bày trong Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định)..
Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành[1]. Nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Ông thần ở đình làng gọi là thần Thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng (cả) nơi thôn xóm, (vì) vẫn có điếm canh bố trí bao quanh...
Cũng theo Sơn Nam, thần Thành hoàng, theo thông lệ, thờ thần đàn ông, vì khí Dương đem sức mạnh cho muôn loài, muôn vật.[2] Và gọi ông Thần hoàng là sai nghĩa, vì cái tên này chỉ là thứ nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến; và tục này ở trong Nam Bộ không có[3].
Bởi vậy, khi trích lại đoạn viết về tục "thờ thần" ở trong sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, nhà văn Sơn Nam đã sửa từ "Thần hoàng" ra "Thành hoàng"[4] cốt để người đọc không còn lầm lẫn giữa hai thứ. Tuy nhiên, xét trong sách Việt Nam phong tục, lễ Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục trong gia tộc; còn việc thờ phụng Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục hương đảng, thì rõ là tác giả sách đã chỉ ra đó là hai thứ khác nhau.
Điểm đáng chú ý khác nữa, vì là vùng đất mới, nên ở Nam Bộ nhiều đình làng, thần chỉ có tên là Bổn cảnh Thành hoàng hay Thành hoàng Bổn cảnh (神隍本境). Theo sách Minh Mạng chính yếu, quyển thứ 12, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), thì nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bổn cảnh. Đây là chức vụ mới, lúc trước không phổ biến. Lê Phục Thiện, người dịch sách trên chú giải: Thành hoàng là vị thần coi một khu vực nào. Bổn cảnh là cõi đất nơi mình được thờ. Nhà văn Sơn Nam cho biết bởi đây là dạng viên chức được vua ủy quyền trừu tượng, trong rất nhiều trường hợp, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ "thần" () và thường cũng chỉ có mỹ hiệu chung chung là "Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng" (tức rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ)[5].

 Nguồn gốc

Sách Việt Nam phong tục chép:          Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành hoàng) này từ trước đời Tam Quốc (Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.
Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi.
Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đấu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình...Dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...[6]
Còn ở trong văn học Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh[7]:
Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) tên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó...Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng...Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng...(Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay...[8]

 Các thứ hạng

Cũng theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.   Phúc Thần có ba hạng:
  • Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Đông thiên vương[9], Sóc thiên vương, Sử đồng tử[10], Liễu Hạnh công chúa, Đức thánh Tam Giang...Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần.
  • Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.
  • Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.
Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy bạ, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết...Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì...[11]
Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Sơn Nam thì các hạng tà thần tuyệt nhiên không có, họa chăng chỉ là vài am miếu dựng lên nơi có người chết oan ức vì tai nạn xe cộ, đắm thuyền, hùm tha sấu bắt; cúng sơ sài, không tế lễ.

Nơi thờ phụng

Theo nhà học giả Nguyễn Văn Tố, thì khởi đầu đình chỉ là cơ ngơi để dân làng hội họp, là nơi dành để treo những sắc lịnh và huấn dụ của nhà vua...
Để thờ phụng Thần hoàng, nhiều làng lập miếu thờ. Rồi theo lệ ngày sóc (mùng 1) và ngày vọng (ngày rằm) dân làng đến miếu để làm lễ Vấn (theo nghĩa kính viếng). Miếu này còn gọi là "nghè", nơi gìn giữ sắc thần. Ngày tế lễ, dân làng rước sắc thần từ miếu đến đình để cử hành việc tế lễ, sau đó đưa trở về miếu.
Để đơn giản hóa, sau nhiều làng chỉ xây một cái đình lớn, phía ngoài làm nơi hội họp (đình), phía trong là miếu...[12]

Vai trò và ý nghĩa

Như trên đã nói, thần Thành hoàng dù có hay không có họ tên, lai lịch; và dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng & đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó. Vai trò trên của thần còn có ý nghĩa hơn nữa, nhất là đối với những cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất hoang Nam Bộ, vì lẽ họ đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa, do thú dữ hoành hành...Điều đó có nghĩa, thần Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh; bởi theo họ, chỉ có thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cho cuộc sống của họ ngày một thêm ổn định, thịnh vượng.
Hiểu được nhu cầu tâm linh của người dân, cộng thêm ý muốn tạo lập một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng chính thống của vương triều, để nhằm xóa bỏ dần tầm ảnh hưởng của các triều đại trước; nên dưới thời các vua đầu nhà Nguyễn, cứ ba năm xét ban sắc phong thần một lần. Chỉ riêng năm 1852, có lẽ đoán trước thời nguy khổn của đất nước trước thực dân Pháp, cho nên vua Tự Đức đã sai cấp đồng loạt 13.069 sắc phong cho cả nước (nhiều nhất là ở Nam Bộ), cùng với việc “Quốc điển hóa” sự thờ phụng; cũng chính là để nhanh chóng đạt được mục đích trên.[13]
ĐÌNH NGHI KHÚC

- Vị trí - Địa điểm:
Nằm ở ngã ba của 3 nhánh sông cổ Yên Bình (Bình Ngô), Bái Giang (Đại Bái), Nghi Tuyền (Nghi An).
* Giới thiệu chung:
Các làng Nghi Khúc tên nôm (Bưởi Cuốc), Đại Bái (Bưởi Nồi), Đoan Bái (Bưởi Đoan), Ngọc Xuyên (Bưởi Xuyên) là những làng cổ nằm ở bên bờ 3 nhánh sông cổ là: Yên Bình (Bình Ngô), Bái Giang (Đại Bái), Nghi Tuyền (Nghi An) và đó là 3 chi lưu tiếp nước sông Đuống chảy xuống Thuận Thành và Gia Bình.
Truyền rằng, tại ngã ba sông có một vực nước lớn tục gọi “Vực Thiêng”, bên bờ vực có ngồi đền thờ Tam vị đại vương “Lạc Thị” linh thiêng nổi tiếng. Các làng Bưởi thờ chung các vị Thần ở đền này và hàng năm mở hội làng xã rất lớn, dân gian gọi là hội “Tứ xã”.
Thôn Nghi Khúc (Bưởi Cuốc) nằm ở ngã ba của 3 nhánh sông cổ trên, là nơi có ngôi đình có tên “Phúc Lộc đình” và ngôi đền cổ (còn gọi là nghè, miếu) gắn với truyền thuyết Vực Thiêng và nổi tiếng với lễ hội “Tứ xã” của các làng Bưởi. Nhưng đền Vực Thiêng đã bị phá hoại trong kháng chiến chống Pháp. Trước kia, đền Vực Thiêng chưa bị phá thì đây là nơi Thần an vị hàng ngày, mỗi khi đình đám hội hè được rước từ đền về đình để tế lễ và mở hội, giã hội lại được rước về đền để an vị.
Đình làng Bưởi trong kháng chiến chống Pháp bị phá hoại. Những năm (1989-1992), dân làng khôi phục lại ngôi đình theo dáng vẻ truyền thống. Đó là tòa đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế 3 gian 2 chái và Hậu cung 2 gian, mái ngói, đao cong duyên dáng. Đặc biệt, đình Nghi Khúc còn bảo lưu được cuốn Thần tích chữ Hán viết vào thời Lê, sao lại vào thời Nguyễn, đã ghi lại về truyền thuyết Vực Thiêng và Thần được thờ ở ngôi đền này như sau:
“Xưa, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành trăm người con. Người cha đem theo 50 người con xuống vùng biển để sinh cơ lập nghiệp, còn người mẹ đem theo 50 người con lên rừng khai dựng làng bản. Người con trưởng được tôn làm Hùng Vương và truyền được 18 đời Vua Hùng.
Lại nói, Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ được thờ ở á Lữ xã Đại Đồng Thành, xưa thường đi chu du khắp thiên hạ. Một lần tổ qua đây, thấy ba chẽ sông quanh co, phía sau là 5 ngọn núi nhấp nhô, phong cảnh sơn thủy hữu tình, nhân đó dựng hành cung ở bên bờ sông đặt tên là Nghi Giang cung. Tổ chợt thấy ba con rồng mình dài vài trượng, to mấy vòng, trên đỉnh đầu có ấn vàng, trong ấn nổi lên hai chữ “Lạc Vương”. Ba rồng nổi lên ở ngã ba sông, theo sau là cá, tôm, rùa, ba ba… sóng to gió lớn không kể xiết. Liền đó, một con rồng bơi ra sông Bái Giang, một bơi ra sông Nghi Tuyền và một bơi ra sông An Bình. Khoảng chốc, ba con rồng lại bơi lại chỗ cũ. Tổ thấy làm lạ cho rằng đây là nơi rồng ẩn. Về sau, vật đổi sao dời, chỗ đó chỉ còn là nền cung, cây cỏ mọc lên thành bụi rất lạ. Một hôm, bỗng trời mưa to gió lớn, sau khi tạnh, nhân dân địa phương nhìn thấy chỗ nền cung cũ biến thành một đầm nước lớn, sâu bao nhiêu chẳng rõ và gọi là “Vực Thiêng”. Nhân dân bèn dựng một miếu thờ, gặp năm đại hạn, đốt hương cầu khẩn, tai ương qua khỏi, nắng hạn được mưa, mùa màng tơi tốt. Nhân dân địa phương cảm kích vui mừng sửa sang miếu thờ để thờ cúng thần hàng năm. Các vị thần ở đây là “Thủy Thần” với mỹ hiệu là: “Việt Nam Lạc Thị đệ nhất đại vương”, “Việt Nam Lạc Thị đệ nhị đại vương”, “Việt Nam Lạc Thị đệ tam đại vương”. Trải các triều vua, các vị thần ở đây đều được ban tặng sắc phong và mỹ tự. Hàng năm cứ đến ngày mồng 4 tháng 2 đền được mở hội. Nhân dân trong vùng tổ chức rước kiệu đến đền, mật xin thần hiệu, múc một bình nước về đình, làm lễ cầu phúc. Năm nào nước thơm mát thì mùa màng tươi tốt, người khang vật thịnh, nếu nước chua thì gặp hạn hán tai ương. Đền rất linh thiêng, thường ngày, tùy theo dân đến cầu khẩn, cũng được ban điều tốt lành. Vào năm Cảnh Hưng, địa phương có nạn binh lửa mất cả các đạo sắc phong của thần. Sau đó các triều đại lại truy tặng sắc phong cho các vị thần ở Vực Thiêng như sau: “Tôn thần Việt Nam Lạc Thị linh ứng khai sơ sáng thủy khải minh thùy hiến mông nhuận dực bảo trung hưng đại vương”, “Hương Mạt hùng tài đại lược anh nghị quả đoán linh thiêng hiển ứng anh uy hùng lược đặc đạt đại vương”, “Quý lang diên hưu đốc hỗ tích chỉ phong công khải khánh tập cát từ đường đoan chính tập phúc chiêu tường đại vương”.
Hàng năm, đình Nghi Khúc được mở hội vào mồng 4 tháng 2 (âm lịch). Truyền rằng, xưa để lo việc đình đám, ngay từ trong năm, làng đã phân việc cho các phe giáp chuẩn bị lo lễ vật tế Thần gồm: Lợn chín cả con, xôi, bánh dày, chè đỗ xanh. Vào ngày hội, sáng mồng 3 đền được mở cửa để bao sái đồ thờ tự phong cờ quạt, đến chiều, dân làng tổ chức rước nước từ Vực Thiêng về đình để thờ cúng quanh năm. Ngày mồng 4 chính hội, dân làng tổ chức rước kiệu Thần từ đình làng mình đến đền Vực Thiêng mật khấn thần để xin rước Thần về đình làng mình tế lễ mở hội. Và tục truyền, cứ 4 năm một lần các làng Bưởi (Bưởi Đoan anh cả, Bưởi Cuốc thứ hai, Bưởi Xuyên thứ ba, Bưởi Nồi thứ tư) lại tổ chức rước tế chung. Vào ngày hội, các làng Bưởi rước kiệu từ đình làng mình đến đền Vực Thiêng tế lễ chung, sau đó xin rước Thần về làng mình để tế lễ và mở hội. Chính vì vậy, các làng Bưởi đã kết nghĩa giao hảo với nhau. Từ ngày đền Vực Thiêng bị phá, các làng Bưởi vẫn giữ được tục thờ chung Thần với nhau. Mỗi khi hội hè đình đám, làng đăng cai sẽ được các làng khác cử đại diện có lễ đến để tế lễ và giao lưu. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như; vật, chọi gà, thả chim… thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang đậm tính dân tộc.
Đình Nghi Khúc với truyền thuyết, tín ngưỡng và lễ hội của các làng Bưởi đã phản ánh bề dày lịch sử, văn hiến của các làng xã nơi đây. Truyền thuyết Vực Thiêng chính là câu chuyện thiêng hóa cội nguồn dân tộc Việt. Với những di tích và lễ hội đặc sắc của các làng Bưởi đã góp phần tạo nên bản sắc văn hiến của quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Theo BBN

NGHI L MT BUI T ĐÌNH


Xưa kia tế đình các cụ thường rất cầu kỳ, trải qua nhiều thủ tục trong tế lễ. Tuy nhiên do thời gian và gián đoạn của lịch sử những nghi thức ấy không được ai trong làng ghi chép lại. Những thế hệ trước dần dần khuất xa và mang đi bao điều còn đến nay chưa được sáng tỏ. Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, tế đình cũng đã được khôi phục, tuy nhiên thủ tục tế lễ ở ba đình cũng khác nhau, phần nhiều do tự biên tự diễn.
Năm 2011, tổ dân phố Lang Bầu đăng cai tổ chức tế đình Tiên Hường. Ban tổ chức đã tiến hành tế lễ theo nghi lễ xưa có sửa đổi cho phù hợp với không gian và văn hóa hiện nay. Xin trân trọng được giới thiệu trước nội dung tế lễ trước ngày tổ chức:        NGHI LỄ TẾ ĐÌNH
1- HÀNH  SƠ  HIẾN  LỄ         ( Dâng lễ lần đầu )
1- Khởi chinh cổ : Đánh 3 hồi chiêng trống
2-Nhạc sinh tựu vị : Phường bát âm vào vị trí đồng thời nổi nhạc.
3- Chấp sự giả các tư kì sự : Ai nhận trách nhiệm phần nào thì chú tâm vào việc ấy.
4- Chủ tế , bồi tế  tựu vị: Chủ tế mặc áo đỏ, hai bồi tế mặc áo xanh  đi hai bên chủ tế theo nhịp trống chiêng, bát âm, từ vị trí tập kết đi vào, hai tay đan vào nhau đưa lên phía trước, mắt nhìn thẳng hướng ban thờ, đến chỗ chiếu qui định thì dừng lại , vái một vái rồi 2 tay đan nhau chấp vào bụng, đứng nghiêm trang .
5- Củ soát tế vật: Hai chấp sự giúp việc (mặc áó the khăn xếp )một người cầm nến đi trước, chủ tế đi giữa, một người cầm hương đi sau hướng dẫn chủ tế đi vòng quanh ban thờ xem xét lễ vật , sau khi xem xong , chủ tế lại đứng về vị trí cũ ( tay chấp vào bụng ).
6- Thượng hương : Chấp sự giúp việc (mặc áo the khăn xếp ) châm hương  đưa cho bồi tế , bồi tế đưa cho chủ tế , chủ tế cầm hương vái 1 vái rồi cắm lên bình , sau đó lùi về vị trí giữa 2 bồi tế .
7-Nghinh thần cúc cung bái: Chủ tế và 2 bồi tế cùng  khuỳnh tay ngai, ngón tay đan vào nhau , mắt nhìn lên ban thờ .
  Hô : Nhất bái  (Lễ xuống )        Hưng  (đứng lên )
Nhị bái         –                     –          
Tam bái        –                    –
Tứ bái           –                   –
   Lễ tất : cùng vái 3  vái.
8- Giai quị : ( Cùng quỳ xuống) Chủ tế và bồi tế cùng quỳ xuống, tay đan chấp vào bụng.
9- Hành sơ hiến lễ : ( dâng lễ lần đầu )
Gồm 6 chấp sự mặc áo thụng xanh, , khuỳnh tay  ngai dâng lễ đi chậm rãi
khoan thai chân theo nhịp trống chiêng, tay đung đưa theo nhịp nhạc bát âm, khi 2 người đi trước đến ngang bồi tế thì dừng lại quay ngang đưa lễ cho bồi tế , bồi tế đưa cho chủ tế , chủ tế đưa cho chấp sự, ( người mặc áo the khăn xếp )  để lên ban thờ . Hai chấp sự  ( mặc áo thụng xanh  trong đoàn 6 người )dâng lễ xong thì lui về phía sau , đứng bên cạnh ,tay chấp vào bụng . ( Trong dẫn lễ thường là : 2 người đi trước là 2 cây nến , 2 người đi giữa là hương , hoa, 2 người đi sau là trầu, rượu ) .    Cứ lần lượt như vậy cho hết 3 cặp chấp sự dâng lễ .Sau khi chấp sự dẫn lễ xong  thì ” Đông xướng” hô :
10-Bình thân phục vị :Chủ tế và bồi tế cùng đứng d ậy .
11- Chấp sự tựu vị :Chấp sự 6 người dẫn lễ đứng thành 2 hàng sau chủ tế và bồi tế .
12-Nghinh thần cúc cung bái : (Tất cả khuỳnh tay ngai,, ngón tay đan vào nhau, mắt nhìn lên ban thờ )
Nhất bái (lễ xuống)    Hưng (đứng lên )
Nhị bái                            Hưng  
Tam bái                         Hưng  
Tứ bái                              Hưng
13-Lễ tất :Tất cả cùng vái mỗi người 3  vái.
14- Chủ tế , bồi tế  nguyên vị : Chủ tế , bồi tế đứng nguyên .
15-Chấp sự dẫn lễ tựu vị : Chấp sự về vị trí ban đầu .
(Chú ý : Bước theo hàng ngang, không được quay lưng về phíá ban thờ .)
 HÀNH Á HIẾN LỄ                                       Nghi lễ tế lần hai
(Hành Á hiến lễ có nghĩa là người làm lễ đi hình chữ  ”Á”   để tế lễ)
Khi nghe tiếng hô “ HÀNH Á HIẾN LỄ ”  thì chiêng, trống, bát âm nổi lên cùng một lúc .
16-Chủ tế, bồi tế  nguyên vị :Chủ tế bồi tế   đứng nguyên vị trí tế lần 1 .
17- Giai quị (Cùng quì xuống)
18-Hiến lễ :D âng lễ lần 2 giống như lần 1
19 Chấp sự tựu vị : Các chấp sự  (   6  chấp sự  mặc áo thụng xanh  ) đứng vào chiếu thành 2 hàng  sau chủ  tế và bồi tế .
20-  Chấp sự  giai quị: Các chấp sự quỳ xuống .
21- Chuyển chúc. Do chấp sự giúp việc đưa giá văn (đã dán sẵn bài văn tế) từ ban thờ xuống, đưa cho bồi tế , bồi tế  đưa cho chủ tế  (Chủ tế trực tiếp đọc ,hoặc đưa cho bồi tế đọc) . Yêu cầu giọng đọc ngân nga truyền cảm, có trống chiêng đệm theo.
22-Độc chúc   : Mỗi lần người đọc văn  ngắt câu thì tất cả những vị đang quỳ trên chiếu đều vái một vái , chiêng trống đệm theo..
23 – Hóa chúc : Chúc sự giúp việc hóa bài văn tế .
Sau khi hóa chúc xong “đông xướng ” hô :
24 – Bình thân phục vị :Thì chủ tế ,bồi tế , chấp sự đều đứng dậy .
25-Tạ thánh  cúc cung bái : Tất cả cùng khuỳnh tay ngai, ngón tay đan vào nhau, mắt nhìn lên ban thờ .
                          Nhất bái ( lễ xuống )    Hưng (đứng dậy)
                          Nhị bái   (lễ xuống )     Hưng (đứng dậy)
                          Tam bái (lễ xuống )     Hưng (đứng dậy)
Tứ bái     (lễ xuống)     Hưng (đứng dậy)
 26- Lễ tất : cùng vái 3 vái.
27-Tựu vị :  Tất cả  đứng dãn đều sang 2 bên , 2 tay chấp vào bụng , đón các đoàn vào làm lễ .
HẾT
Ghi chú :Chữ in đậm do ” Đông xướng- Tây xướng” hô .
SƯU  TẦM–SOẠN THẢOTháng 1- 2011Chi Hội Người Cao TuổiTổ Dân phố Lang-Bầu  TT Hương CanhChấp bút:  Trần Ngọc Bích. (1937)

                                                            ========

Phân Biệt: ĐỀN, MIẾU, NGHÈ, ĐIỆN, PHỦ, QUÁN, AM. ?

Theo cuốn sách: "Hỏỉ đáp về văn hóa Việt Nam" thì các khái niệm về đình chùa miếu mạo được phân biệt như sau:
- Đền:
Nơi thờ thánh hoặc những nhân vật lịch sử đã được thần thánh hóa. Đền có nhiều dạng. Là loại hình to lớn về cả mặt bằng lẫn ý nghĩa, có thể kể tới: Đền Hùng, đền Gióng,...rồi các đến thờ thần linh dân dã như Đền Độc Cước, cũng có khi đền gắn với việc thờ các thần linh hoặc nhân vật của địa phương được thiêng hóa.
- Miếu:
Thường là ngôi đền nhỏ như: miếu Thổ địa, miếu cô, miếu cậu,...Nhìn chung, không phải là những nơi thờ những thần linh có vai trò to lớn. Tuy nhiên, trông một số trường hợp cụ thể có thể thấy miếu là môt kiến trúc khá lớn, đôi khi chiếm một diễn tích mặt bằng rất đáng kể, ví như: Văn Miếu.
- Nghè:
Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có thể thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thôn trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đắp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật.

- Điện:
Là một hình thức của đền, nơi thờ thánh trong tín ngưỡng dân dã Việt. Điện phổ biến thờ mẫu hoặc các thần nổi tiếng. Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên ban thờ thường có ngai, bài vị, khám , tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: Tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,...Cũng có khi là nơi làm việc của các vị vua chúa như điện Diên Hồng, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh.
- Phủ
Thường là nơi thờ mẫu, Phủ Giầy, Phủ Tây Hồ,.... ở Thanh Hóa cũng gọi đền là Phủ. Suy cho cùng phủ là một nơi thờ tự thánh mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương. Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần nữ nhân ở chùa Bút Tháp có niên đại vào giữa Thế kỷ XVII.
- Quán:
Một dạng của đền gắn với đạo Lão. Tùy theo từng thời mà có các dạng thực thờ tự khác nhau. Vào khoảng thế kủ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất chỉ như là của một ngôi đền thờ vị thánh cụ thể. Đến thế kỷ XVI - XVII: việc thờ cúng các vị thần linh cơ bản như Trung Hoa.
- Am:
Được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Am được nghĩ tới từ Trung Quốc, được mô tả như một ngôi nhà nhỏ lợp lá, làm nơi ở của các con cái, chịu tang cha mẹ. Về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, và làm nơi ở, nơi đọc sách của văn nhân./.


TẾ THÀNH HOÀNG
                                                                Truyện ngắn : Khái Hưng
Người ta đồn ông thành hoàng làng Tiền thiêng lắm. Mỗi lần rước ngài là một lần vất vả khổ sở cho dân ngài: nào ngài bay, nào ngài lùi, nào ngài quay, có khi ngài lại đứng ỳ ra nữa. Các quan viên tha hồ xuýt xoa van lạy, khấn khứa ngài đủ các câu, ngài vẫn làm ngơ như không nghe thấy gì hết. Những lúc ấy nếu không đốt một tràng pháo thật dài để mừng ngài, thì khó lòng ngài chịu đi cho.
Thế mà năm nào ra giêng vào đám, vẫn hai lượt dân làng Tiền phải rước ngài, một lượt từ miếu ra đình để ngài chứng kiến việc hội họp ăn uống, và một lượt từ đình trở về miếu để ngài an nghỉ. Khó khăn nhất, mệt nhọc nhất cho bọn khiêng kiệu là quãng đường qua đình Tràng. Ngài nô giỡn, ngài chạy cuồng, ngài nhảy cẫng như vui thích khoái trá về một điều gì. Người ta nói vì đức thánh đình Tràng là một vị nữ thần mà ngài nghịch ngợm thích trêu ghẹo chơi.
Dân làng Tiền cũng không ai phàn nàn về cái thiêng của ngài. Trái lại, người ta còn lấy làm hãnh diện được thờ một vị thần mà khắp vùng đều kinh sợ. Không phải sợ bóng sợ vía, nhưng sợ những sự tác oai hiển hiện trước mắt. Một lần, một đứa trẻ chăn trâu trèo lên cây muỗm trước miếu, đã bị ngài quật ngã chết tươi. Lại một lần một con bé bế em đi xem rước giơ tay chỉ trỏ kiệu ngài, bị ngài hành cho một trận ốm thập tử nhất sinh.
Người ta đua nhau thuật những phép thiêng của ngài. Câu chuyện mà người ta hay kể nhất, kể với một giọng rụt rè, kinh hãi, là câu chuyện ông tiên chỉ đương đứng đại bái tế ngài, bị ngài phạt ngã gục xuống bất tỉnh. Người thì bảo vì ông tiên chỉ vô ý hôm trước đã ăn mấy miếng thịt "cầy". Người thì bảo đồ lễ sắm không được tinh khiết. Có người lại quả quyết rằng vì ông tiên chỉ đã đem rượu ty lên dâng ngài, nên ngài hành phạt cho tỉnh ngộ để từ rầy phải dùng rượu ngang vào việc cúng tế.
Nhưng đó toàn là những lời phỏng đoán. Và đều không đúng sự thực. Vì sự thực tôi đã được chính ông tiên chỉ đại bái thuật cho nghe, trong một tiệc rượu. Cố nhiên ông ta say khướt. Không say dễ ai đã dám bất kính đối với một ông thần, một ông thần linh nữa. Vì đây chính là một câu chuyện bất kính. Với lại cũng tại mấy chị đầu quê: các chị ấy có duyên quá! Và bông đùa và nhí nhảnh nói tục luôn miệng khiến ông tiên chỉ cũng vui câu chuyện, không kịp nghĩ ngợi suy tính kỹ càng. Trong một bàn tiệc có gái, thì điều gì mà người ta không kể, quý hồ gợi được tiếng cười của cử tọa, nhất là của gái.
Hôm ấy đã khuya, có lẽ quá nửa đêm. Chúng tôi đánh tổ tôm ở nhà ông chánh Bá làng Cầm. Trong số năm chân có ông tiên chỉ làng Tiền.
Bỗng chủ nhân cao hứng cho gọi "nhà trò".
Gặp mùa các đình vào đám, làng Cầm có tới ngót chục cô đầu quê. Và lúc ấy hát hầu thánh đã xong, các cô rỗi, tìm hẳn thế nào cũng đến ngay.
Quả nhiên chỉ mười lăm phút sau, đã dẫn đến hai cô, y phục nửa tỉnh nửa quê, cái áo lụa trắng kiểu mới che gần kín cái quần lĩnh thâm. Một cô lại có cả mái tóc vấn trần làm nổi hẳn cái mặt tuy hơi khô nhưng rất cân đối dễ thương. Đứng bên hai cô, anh kép, mắt ngái ngủ, hai tay ôm đàn, mồm há hoác ngáp lấy ngáp để.
Chủ nhân nhờ người cầm bài để xuống nhà giục đồ nhắm và cháo gà. Nhưng một ông khách có nhã ý xin tan cuộc tổ tôm, tiền góp còn bao nhiêu sẽ chi tất cả cho cô đầu. Tôi nhìn đống hào trong khay và đếm nhẩm: có lẽ tới được ngoài ba đồng. Đối với cô đầu quê, chi như thế cũng đã hậu.
Tiếng trống, tiếng đàn chen tiếng phách. Hết bắc phản sang thét nhạc, hát nói. Rồi mâm rượu bưng lên.
Đến tỳ bà thì ai nấy đã chuếnh choáng men, tiếng nói che lấp tiếng ca. Một người chừng cấp hát cô đầu tỉnh, ép chị Tửu hãm nhà báo một câu.
Chuyện bắt đầu nồng nàn, và sỗ sàng, và tục tĩu. Quan viên nói tục, cô đầu nói tục. Họ quanh quẩn, vui thú trong những ý tưởng dâm đãng. Hết chuyện người, họ nói đến chuyện thần, chuyện dâm thần.
Tôi chợt nhớ tới ông thần thiêng làng Tiền. Và tôi hỏi ông tiên chỉ:
- Nghe nói đức thánh xã nhà thiêng lắm, phải không?
Gặp lúc tỉnh, chào ông chỉ - tiếng gọi tắt chức tiên chỉ - đã trồ trề ca tụng "đức thánh". Nhưng hiện ông ta say, say túy lúy càn khôn, nên chẳng kịp giữ gìn nữa, buột miệng đáp liền:
- Vâng, ngài thiêng lắm. Nhưng bảo ngài thiêng mà quật tôi ngã giữa lúc tôi đứng đại bái thì ...
Ông chỉ chưa nói dứt câu đã cười thét lên, vừa cười vừa đập tay đôm đốp xuống đùi chị Tửu ngồi kề bên. Tửu nhích lùi ra nói:
- Dễ thường thánh ốp vào ông hay sao mà ông hành em thế?
Ông chỉ cười càng to:
- ừ, thần nhập vào ta rồi đấy.
Tôi tò mò nhìn ông ta và thấy ông ta đổi khác hẳn. Mọi khi ông ta hiền lành, lù đù nữa, thế mà lúc này mắt ông ta long lanh sáng, miệng ông ta cười rất có duyên. Ông ta bứt cái khăn xếp vứt ra giường – vì chúng tôi phải uống rượu ở sàn gác, - để lộ cái trán cao và bóng, cái trán có vẻ thông minh lắm.
Và tôi đoán chừng có nhiều điều hay hay trong câu chuyện tế thần. Cố giữ nghiêm trang, tôi hỏi:
- Vậy ra không phải thánh ngài phạt ông?
Ông chỉ vẫn cười:
- Khô ... ông!
Tửu láu lỉnh tiếp luôn:
- Lại còn không. Hôm ấy em cũng có đấy, em trông thấy cả, em còn lạ gì. Đây này...
Ông chỉ cãi:
- Không phải... thực ra...
Nhưng một người gạt phắt:
- Thì hãy để chị Tửu nói đã nào. Chị trông thấy những gì, chị Tửu?
Tửu kể:
- Lúc ấy dẫn rượu. Em với chị Miện bắt bài. Em thấy ông chỉ đứng đại bái bỗng khom khom cong người lại, rồi đến lúc xướng "tựa vị" thì ông chỉ ngã vật ra bất tỉnh nhân sự. Thế mà còn bảo không phải ngài phạt.
Mọi người cười om. Ông chỉ ung dung đáp:
- Thế mà không phải ngài phạt, mới chết chứ. Vì tại sao ngài lại phạt tôi? ừ, tôi hãy hỏi chị, tại sao ngài lại phạt tôi? Hay trước khi vào tế tôi có nghịch ngợm chị nên... uế tạp...
Tửu cũng chẳng vừa, nhí nhảnh:
- Chính thế!
Tiếng cười càng vui. Tôi nóng nẩy muốn biết ngay câu chuyện, liền chêm:
- Nếu không phải đức thánh phạt, thì xin ông cho biết sự thực.
- Vâng, và tôi xin kể có đầu có đuôi cho câu chuyện thêm.. hứng thú...
Nói chuyện có đầu có đuôi vẫn là một đức tính của các ông kỳ lý. Tôi biết có ông kể đến đoạn hay còn ngừng lại, thong thả châm đóm hút thuốc để người nghe phải đợi một lúc lâu. Và tôi hấp tấp hỏi đón trước để chóng được biết kết cục:
- Chừng ông ngộ cảm ngất đi chứ gì?
- Không, nếu ngộ cảm ngất đi đã chẳng có chuyện. Đằng này không ngộ cảm ngộ kiếc gì cả cơ chứ!
Rồi ông chỉ kể luôn:
- Năm ấy tôi đại bái. Tôi còn nhớ ông hương Bích với ông khán Nhuệ đứng bồi tế.
Tôi sốt ruột nghĩ thầm: "Không biết những ông bồi tế ấy có liên can gì đến câu chuyện "thánh phạt", mà phải dềnh dàng liệt tên. Không khéo ông ta sẽ lôi ra một tràng quan viên cho mà xem". Quả nhiên, ông chỉ kê khai đủ cả, nào ông đọc chúc, các ông thông xướng, các ông chước tửu. Rồi tiếp:
- Tới tuần rượu thứ hai, tôi thấy... thế nào ấy ở ngang thắt lưng, như tự nhiên bụng thóp lại, dẹp lại, làm cho cạp quần rộng ra không sát liền với da bụng nữa. Tôi kinh hoảng đứng im, không nhúc nhích, vì tôi mang máng sợ...
Ông chỉ dừng lại để cười. Tửu tò mò hỏi:
- Ông mang máng sợ cái gì?
- Sợ tụt nút buộc cạp quần.
Tiếng cười lại ầm ĩ, và ai nấy nhao nhao lên hỏi:
- Thế có tụt thật không?
- Lại chả thật!
Rồi chờ cho im lặng trở lại, ông ta kể tiếp:
- Tôi vẫn hy vọng rằng tôi tưởng nhầm. Nhưng mắt tôi cũng rời cái hốt để nhìn qua xuống hia. Thì ... chết chửa! Hai ống quần đã lùng thùng cộn lại ở phía dưới. Tôi lo lắng, sợ hãi, run lên, và giời tuy rét mà mồ hôi tôi toát ra ướt cả áo lót. Tôi nghĩ ngợi tìm mưu kế. Chẳng nhẽ cho hai tay vào trong áo xốc quần lên để buộc lại cạp! Làm như thế còn gì là thể thống? Mà nếu bị làng bắt lỗi thì còn gì là thể diện ông tiên chỉ đại bái. Tôi càng luống cuống khi thấy ông Nghệ, ông Khôi dẫn rượu vào hậu cung đã trở ra, và ông Thuận sắp xướng: "tựa vị" để mình đi vòng mép chiếu về đứng chỗ cũ. Làm thế nào bây giờ? Mình chỉ biết hai đùi, hai gối khép chặt lại nhau cho cái quần khỏi tụt hẳn. Nhưng lúc đi thì còn khép làm sao? Chẳng nhẽ nhẩy hai chân mà đi...
Cử tọa lắng tai chú ý nghe, đến đây như không giữ được nữa, ai nấy vỗ tay, vỗ đùi cười ngất. Nhưng ông chỉ vẫn thản nhiên kể tiếp:
- Đầu tôi nóng bừng. Mồ hôi trán chảy từng giọt xuống chiếu. Vài giây nữa, chỉ vài giây nữa nếu không quả quyết, nếu không nghĩ ra mưu gì thì thực... mất hết danh giá. Hai tay tôi mấy lần định thò vào trong bọc, rồi lại ngập ngừng thôi, như có người giữ ghì lại không cho làm cái việc bất kính...
Tiếng cười lại nối. Một người nói:
- Ngài giữ tay ông đấy.
- Thế về sau ông làm thế nào? Đành buộc lại cạp quần chứ?
- Khô... ông. Nếu buộc lại thì đã không có chuyện... Lúc bấy giờ óc tôi rối loạn. Như có trăm nghìn tiếng xui giục bên tai... Bỗng tôi mê man tưởng thoáng nghe thấy câu thì thầm: "giả tảng ngất đi!" Thế là tôi ngồi ngay xuống rồi ngã vật ra, mồm ú ớ kêu... tôi cũng chả nhớ là đã kêu những gì...
Cái gác hẹp của ông chánh Bá vang lên những tiếng cười thét và những tiếng giậm chân vỗ tay.

Xuân 1939
Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve.
Nxb Đời nay, 1944.

1 nhận xét:

  1. những tình trạng căn bệnh da liễu tồn tại vĩnh viễn trên da thường trải thông qua các thời kỳ hoặc chu kỳ với các triệu chứng. các tình trạng không thể chữa chữa bệnh da liễu ở Khánh Hòa hết tuy nhiên có thể thuyên giảm. tuy nhiên, nếu như bạn bị stress, hoặc mắc những bệnh khác, hoặc bị lao lực thì căn bệnh có thể tái phát.nếu da bị đau, bạn có thể sẽ được chuyên gia chỉ định dùng thuốc giảm đau. Trong tình trạng da bị lở loét, tổn thương, hoặc bệnh dễ lan truyền, có thể chuyên gia sẽ cho thuốc mỡ để thoa cùng với băng gạc để đắp kín.

    Trả lờiXóa