Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

BIẾT CHƠI VỚI NGƯỜI GIÀ

                                

   BIẾT CHƠI VỚI NGƯỜI GIÀ

Trong những người bạn học cùng trang lứa với tôi, có thể coi Toàn là người nổi trội hơn cả.
Từ lúc ngoài ba mươi, Toàn đã được cử làm Trưởng phòng Tổ chức một cơ quan quan trọng trên tỉnh. Tiếp xúc với Toàn, người già người trẻ, người lạ người quen đều cảm thấy thoải mái; được việc hay không được việc theo nguyện vọng của mình, đều cảm thấy hài lòng hay chí ít là không có gì bực bội bức xúc lắm.
Với gia đình, Toàn là người được bố mẹ tin và yêu. Với anh em ruột thịt trong nhà cũng vậy. Toàn cũng chưa giúp được gì nhiều về mặt kinh tế trong gia đình, song  được anh chị em trong nhà  rất quý mến, cảm thông. Với vợ con, phải nói Toàn là một người sống đúng mực, gương mẫu. Với họ đương nội ngoại, cà với nhà vợ và nhà mình, Toàn là người có trách nhiệm. Dù chưa phải là người giàu có lắm, nhưng cũng phải nói là tiềm lực kinh tế vào loại khá trong bọn tôi, sống với bạn bè có tình một cách chân thật…
Cho nên, bố mẹ chúng tôi thường vẫn nói về Toàn một cách tôn trọng pha chút ganh tỵ :  Giá mày được như thằng Toàn …Sao chúng mày chẳng học lấy một phần của thằng Toàn…
                                                  -o0o-

Vì ở gần và thân với Toàn hơn cả, tôi cũng biết rõ Toàn hơn các bạn khác. Về “xuất phát điểm”, Toàn cũng không có gì hơn lắm bọn tôi. Đều là con nhà nông dân gốc, bố mẹ làm ruộng, chất phác thật thà; kinh tế gia đình vào loại tầm trung bình trong thôn, có nghĩa là không phải là con nhà giầu hoặc “ con ông cháu cha”. Về sức học, Toàn cũng không phải là người nhanh nhẹn thông minh lắm. Tuy nhiên phải nói rằng Toàn có một cách học khá hay: học cái gì thì cố gắng tìm hiểu đến nơi đến chốn. Đặc biệt, sau khi học được mẹo gì hay, Toàn quyết tâm thực hành cho bằng được.
 Tôi nhớ thời còn đi học, có lần gần đến ngày 20 tháng 11- Ngày Nhà giáo Việt Nam, Toàn nói với tôi: Cậu có hiểu câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ” là gì không? Tôi mạnh dạn diễn thuyết một hồi : “ Nhất là một, bán là một nửa. Câu này thể hiện truyền thống  tôn sư trọng đạo của  dân tộc ta. Người dậy mình dù một chữ, một nửa chữ cũng phải  tôn là thầy, phải  biết ơn, kính trọng…”
Toàn tiếp lời tôi: “ Đấy là cách hiểu thông thường của nhiều người. Nôm na là các cụ  dậy mình cần biết ơn và tôn trọng nhà trường và thầy cô giáo. Cái đó là rất phải, rất cần rồi. Nhưng liệu còn nghĩa gì ở câu ấy nữa không?”. Tôi lắc đầu xin chịu.
Toàn tiếp: “ Tớ  lại  được nghe một cụ lý giải câu đó thế này; Chữ Vi trong  tiếng Hán Việt có nhiều cách viết và nhiều nghĩa lắm. Vi có thể hiểu là làm, ví dụ hành vi, vô vi. Vi cũng có thể là vây - chu vi, phạm vi chẳng hạn. Vi cũng có thể là cây lau. Vi cũng có thể là nhỏ ( li ti) – vi khuẩn, vi mô,  dùng kính hiển vi để  hiển thị, để nhìn những vật nhỏ; cũng có thể là suy kém – hàn vi; cũng có thể là kín đáo, bí mật – vi hành. Vi còn có nghĩa là trái – vi phạm chẳng hạn là làm trái những điều đã được quy định… Trong câu trên, cụ giải thích cho tớ : Câu trên có thể hiểu một kiểu khác . Nói nôm : Học được một chữ, một nửa chữ đều phải làm chủ, làm thầy được chữ ấy. Có nghĩa là các cháu  nếu học đến đâu, cần hiểu thấu đáo, cần  làm chủ được kiến thức mà mình đã học. Không được hiểu làng màng, mà phải tìm hiểu sâu sắc những vấn đề mình nghiên cứu. Có thế mới tiến bộ được. Đấy, cụ giải thích cho tớ như thế, chẳng biết có đúng 100% không, nhưng cũng là một gợi ý để cho chúng mình rút kinh nghiệm trong cách học và hành, cậu nhỉ? ”.
                              
                                               = o0o=

Ngày 1 tháng 5 vừa rồi, Toàn được nghỉ về quê và đến thăm gia đình tôi. Vẫn vồn vã thân mật nhưng không sáo rỗng, chúng tôi nói chuyện với nhau rất vui. Ôn lại chuyện thời đi học, khó khăn vất vả hơn bọn trẻ bây giờ nhiều. Đi học về còn phải đi làm phụ giúp bố mẹ, mấy khi được học hai buổi hoặc đi chơi… Rồi chuyện đông chuyện tây, chuyện vợ con làm ăn, chuyện bạn bè xa gần… Thân tình, tôi khen Toàn:
- Trong số bạn bè chúng mình cùng học thời xưa, có thể nói cậu là người giỏi giang, thành đạt nhất…
Toàn trả lời:
- Các cậu khen tớ là người thành đạt là động viên tớ rồi! Có gì mà thành với chả đạt. Nhìn ra xung quanh, ngay làng mình còn nhiều người giỏi giang hơn mình nhiều. So sánh thì nó vô cùng cậu ạ. Từ lúc đi học, nhiều khi chúng  ta cứ so sánh: Thằng này gặp may, thằng kia nhà giầu sung sướng, luôn có xe đẹp, quần nọ áo kia. Con bé nọ được thầy yêu mến chiếu cố… Cậu thấy có mấy người so sánh với  người có điều kiện khó khăn hơn mình mà học giỏi, làm giỏi hơn mình? Mấy khi chúng ta đã biết được những khó khăn của bạn trong mỗi gia đình, biết được sự âm thầm phấn đấu vươn lên của họ…
- Cậu nói đúng và khiêm tốn quá,  tôi đồng ý. Nhưng nếu nói cậu là người  có nhiều thành công trong tụi mình cũng không có gì sai. Vậy bí quyết của cậu là gì?
- Tớ làm được một số việc tạm gọi là thành công bước đầu. Về công tác, tớ có những thuận lợi nhất định. Do làm được việc, biết ứng xử đúng mức nên sếp tớ tin tớ. Anh em đồng nghiệp và cấp dưới cũng ủng hộ. Còn về gia đình, tớ được một người vợ phải nói là năng động, biết điều. Bọn tớ sống tôn trọng và yêu quý nhau. Hai vợ chồng tằn tiện làm ăn, chi tiêu có kế hoạch cho nên cũng tạm tích lũy được một chút, đã mua được một căn hộ chung cư ngoài Hà Nội, đang cố gắng dành dụm mua lấy cái xe ô tô con mà đi. Như cậu biết đấy, vợ chồng tớ là tự thân vận động cả. Mình chẳng giúp gì được bố mẹ anh em thì thôi…Mà bố mẹ anh em cũng lấy đâu mà cho mình?
Còn nói về bí quyết, tớ làm gì có bí quyết gì? À… nhưng mà có thể gọi là bí quyết cũng được. Đó là tớ biết chơi với người già…
-         Biết chơi với người già ?
-         Đúng vậy! Biết chơi và biết học người hơn tuổi mình và những người cao  tuổi…
-         Cậu nói thế tôi chưa hiểu?
-                     Nói là “ chơi” với người già là nói cho vui. ý tớ là : phải biết gần gũi, học tập người già, trước hết  người già từ trong gia đình nhà mình, rồi rộng ra, trong xóm ngõ cư dân mình sống, trong cơ quan và ở ngoài xã hội.
Tớ  có được một phần “chững chạc” như các cậu động viên là do tớ cũng có may mắn riêng. Trong cơ quan tớ có  mấy chú gần tuổi bố tớ. Có lẽ vì cùng xuất phát điểm là con nhà nông dân, có những nét ăn ở thật thà chân chất mà các chú coi như con cháu, chỉ bảo cho nhiều điều. Từ cách đi đứng, nói năng, giao tiếp đến công việc chuyên môn; các chú cứ coi tớ như một người bạn  chỉ bảo tận tình. Kể cả thành công, thất bại  của các chú, các chú  đều tâm sự với mình và nhắc mình tham khảo.
 Còn nói trong gia đình, cậu chịu khó quan sát một chút. Xung quanh chúng mình có mấy người con nào “ hợp” bố mẹ không, nhất là con trai với ông bố. Có mấy nhà bố con có thể ngồi với nhau mà tâm tình như những người bạn được ? Điều này cũng là do cả hai phía. Về phía bố thì thường là “ lạc hậu ” với thời cuộc, với khoa học kỹ thuật, lạc hậu với những cái mới. Khả năng thích nghi với cái mới  của các cụ thường là khó khăn hơn cánh chúng mình. Các cụ có những thói quen, kể cả thói quen tốt lẫn thói quen xấu, không phải mỗi lúc đã thay đổi được. Khi tranh luận, nhiều cụ phản ứng chậm,“ cãi không nổi ” với chúng mình; lại hay cậy vai trên. Gặp anh con không tế nhị, không biết điều, không  biết lắng nghe, thì hoặc con cãi láo, hoặc bất hợp tác. Thế là chiến tranh lạnh nổ ra, bố làm theo ý bố, con cứ làm theo ý con, đôi bên cứ như lừa miếng nhau như trong thời kỳ chiến tranh lạnh…
Tôi nhận xét : Cậu nói có lý. Ít nhà bố con “ hợp” nhau. Ngay cả với tớ, tớ cũng thấy khó gần bố tớ…
Toàn tiếp lời : Đấy chính là cái sai lầm của cả đôi bên, nhưng suy cho đến nơi, người mang tiếng và chịu thiệt chính là con cái. Tại sao lại  mang tiếng? Vì con hay cãi cha mẹ, làm cho cha mẹ buồn thì đó là đứa con hư và vô ơn. Còn thiệt ở chỗ nào? Bố mẹ chúng mình cũng như bao nhiêu người già khác, có những thành công và không ít thất bại, không ít những kinh nghiệm các cụ có được phải tích lũy mãi mới có hoặc phải trả bằng giá không rẻ chút nào, thế mà các cụ nói chúng mình cứ tưởng đùa, cứ tưởng là bình thường, cứ tưởng là mình biết hết! Đến khi, mình lại rơi vào vòng xoáy của “ thử và rút ra bài học ” thì đã già rồi. Rồi với con và cháu, chúng mình cũng sẽ lại như ông bà bố mẹ mình với chúng mình ngày nay.
Tớ lấy một ví dụ cụ thể . Trước đây tớ nghe bố tới hay nhắc: Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hạt tiện. Cụ thường xuyên nhắc tớ là trước khi mua sắm cái gì, hãy  suy nghĩ mình có tiền không, mua có thật sự cần thiết không? Thế nhưng mà tớ không nghe. Tớ cho rằng ngày xưa các cụ chưa có điều kiện , các cụ keo kiệt, bủn xỉn quen rồi, bây giờ phải thoáng đãng một chút chứ. Tớ ăn tiêu phải nói là không có kế hoạch, đến 3,4 năm sau khi ra công tác mình vẫn không tự nuôi mình được, nhiều khi vẫn phải xin dấu mẹ mình. May mà chưa dính vào cờ bạc.
 Mà nói thêm về cờ bạc một chút. Cậu thấy không, ngay trong bọn mình, ai nghĩ rằng thàng Kỳ lại ham cờ bạc thế? Bố mẹ nó thì lành như đất, chăm chỉ tiết kiệm nhặt từng con cá lá rau để nuôi 4 anh em nhà nó nên người. Các anh chị nó ai cũng tốt, cũng ngoan, thế mà nhà nó lại nẩy ra thằng ấy. Bây giờ đi tù rồi chắc là cậu thấm lắm, chỉ khổ cho gia đình và vợ con nó thôi, chẳng nhờ được gì nó mà còn mang tiếng mãi. Khi biết nó tham gia cờ bạc, mình đã chân thành can ngăn nhiều lần, lần nào cậu ta cũng không cãi, nhưng chứng nào vẫn tật ấy; không thể dừng được. Thắng thì ham được thêm, thua thì ham gỡ, cuối cùng bị bọn đầu gấu cho vay lãi trị tội, rồi cả đám vào tù. Thật buồn cho một người bạn của chúng mình…
Tôi nói như an ủi: Biết làm sao được, năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, chả nhẽ tất cả mọi người đều tiến ngang nhau?
Toàn : Làm gì có chuyện mọi người cùng tiến ngang nhau! Thằng nào khôn thì nhanh biết rút kinh nghiệm của bản thân, của người già xung quanh. Có những thằng ngã hết lần này đến lần khác; người ta hay gọi là họa vô đơn chí; dậu đổ bìm leo…Mình không cho là như vậy. Ai cũng có thể vấp ngã. Nhưng ngã rồi phải biết đứng lên ngẩng cao đầu mà đi, mà còn phải  đi theo, phải cùng đi với anh em bè bạn. Phải dắt con cháu theo mình, đó là nghĩa vụ. Chả lẽ con người ta suốt đời chỉ làm “ của tội của nợ “ cho bố mẹ và gia đình sao?
Tôi : Nhưng các cụ nói trăng đến rằm trăng tròn…
Toàn : Tớ hiểu ý cậu. Câu các cụ nói có lý. Có lý vì nó nêu lên một quy luật tự nhiên và có thể liên hệ sang quy luật nhận thức của một con người. Như nãy tớ nói ,ai cũng có thể mắc sai lầm, rồi dần nhận thức, dần sửa chữa…Nhưng mà nếu để chậm quá, trăng tròn muộn quá thì trước hết khổ cho bản thân mà còn mang lại khổ nhục cho bao nhiêu người, trước hết là vợ con, anh em ruột thịt…
Toàn còn tâm sự nhiều về bản thân, về gia đình, bè bạn. Nghe Toàn nói, tôi thấm ra nhiều điều. Nhờ buổi nói chuyện hôm nay, tôi nhận thức rõ hơn rằng ngay trong bè bạn mình, nhiều người đã là thầy của mình. Họ biết cách học, biết làm chủ kiến thức và một phần biết chơi với người già như Toàn đã nói.

                                                                                        LÊ TRUNG THÔN
     
            ****************************************  








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét