Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 4 ) - NGUYỄN HỮU KIM


ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 4 )


                                                                                NGUYỄN HỮU KIM 

    

           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 4 giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Hữu Kim (ở xóm 3 Đại Mão)  giới thiệu cho lớp trẻ những hiểu biết về một xóm trong làng mình: Xóm Ngõ Làng


Xóm Ngõ Làng xưa ở phía Tây làng Giữa, cách Nghĩa Vi một khoảng đồng khá xa. Sau đó một số cụ ra lập trại về phía tây xóm, rồi cải cách ruộng đất ( khoảng 1956-1957), rồi vào HTX. Dân thôn ngày càng đông lên,  HTX cắm đất ở cho một số hộ… đến nay 2 làng dính liền nhau.


Xóm Ngõ Làng nay gọi là xóm 3 Đại Mão, số hộ và số dân không bằng xóm 4, nhưng là một xóm cổ của làng, có nhiều di tích lịch sử. Mời các bạn đọc bài viết để hiểu thêm  làng  xóm quê mình; tự hào về quê mình đã có những mảnh đất, con người như thế…


                                       

            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả về mảnh đất và con người quê hương. Bài viết xin đánh máy và  gửi cho ông Lê Đình Ngạn, địa chỉ nganhttt@gmail.com



                                                                  %%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%



   HƯƠNG DINH HẠNG – XÓM NGÕ LÀNG

                                       

         Hiện giờ,  tại Điếm xóm Ngõ Làng, thôn Đại Mão, còn giữ được hai tấm bia đá. Nội dung của hai tấm bia: khắc tên các cụ lập hậu ở xóm, lòng văn cúng các cụ hậu, lòng văn Xuân tế xóm. Mở đầu ở một tấm bia khắc năm thứ 36 đời vua Tự Đức – 1883 có  một đoạn chữ Hán như sau:

“ Thuận Thành phủ, Siêu loại huyện, Thượng Mão tổng,Đại Mão xã, Trung thôn Hương Dinh hạng, thượng hạ đẳng vi lập bi ký…”. ( Dịch nghĩa : Từ cụ thượng xóm trở xuống, xóm ngõ Hương Dinh ở thôn Giữa, xã Đại Mão, tổng Thượng Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành cùng nhau lập tấm bia này…).

Theo đoạn văn trên, tên chữ  của xóm Ngõ Làng từ xưa là HƯƠNG DINH HẠNG. Hương nghĩa là làng; Dinh ( còn đọc là Doanh) nghĩa là doanh trại, nơi làm việc đồn trú của quân đội; hạng là xóm ngõ. Vậy Hương Dinh hạng có thể hiểu vắn tắt là xóm ngõ Hương Dinh. Thôn xóm lâu nay không gọi đủ ba từ, chỉ gọi là Hương Hạng – gọi nôm na là xóm Ngõ Làng hoặc Ngõ Làng.

Ngõ Làng ngày xưa có 3 mặt là hào lũy, có Cầu Tháp, Cầu Kê. Tháp có nghĩa là tiếp nhận, sao chép lại, nơi lưu trữ các văn bản, giấy tờ. Kê là xem thiên văn, bói quẻ đoán cơ trời vận nước; từ đó có thể biết trước được mọi sự sẽ xẩy ra tốt xấu thế nào. Đó là hai địa danh quan trọng của xóm.

Cùng với 2 địa danh trên, trong làng còn có Cầu Tỉnh ( ở Ngõ Giếng - gần Giếng hiện nay) là nơi giữ gìn trật tự xã hôi; có Đường Cầu là nơi tế lễ trời đất của quan quân Hai Bà Trưng trước khi xuất quân ( Theo ý kiến của cố GS Trần Quốc Vượng). Trong làng còn có vườn Dinh, cổng Dinh…

Đại Mão có 6 xóm ngõ ( ngõ Làng, ngõ Giếng, ngõ Đình, ngõ Bằng, ngõ Quan ngoài, ngõ Quan trong). Là xóm ở một nơi  có địa thế cao hơn, lại có Cầu Tháp, cầu Kê, gần cầu Giếng, gần Chùa Nội… phải chăng Ngõ Làng là nơi dân làng Đại Mão ở  từ lúc đầu lập làng trên một mảnh đất là doanh trại xưa?

Với tên Hương Dinh Hạng có ý nghĩa và  gắn bó với các địa danh khác trong làng như trên, cụ Lê Nho Lãng ( ở Ngõ Giếng ) có tặng Ngõ Làng một đôi câu đối:


Trung Thôn lục hạng, Hương vi thủ

Đại Mão tam cầu, Tháp khởi nguyên.


                          ( Trung thôn có 6 xóm, xóm ngõ làng có đầu tiên;

                            Đại Mão có 3 Cầu; Cầu Tháp là cầu khởi đầu )


Nói thêm một chút về Điếm xóm Ngõ Làng. Điếm được tọa lạc trên một vị trí tả hữu là Đường Bút, Đường Con Quy; có Mã Đường ( một trong ngũ mã đầu tiên của làng) và có ao trong trước Điếm. Như bài Các điếm xóm ở làng tôi ông Lê Đình Ngạn đã giới thiệu – Điếm thờ Thổ Kỳ và các cụ có ruộng hậu trong xóm.


Từ cuối năm 1949 đến nay, trong vòng 63 năm, Điếm có nhiều thay đổi:


- Cuối năm 1949, giặc Pháp cho quân, chủ yếu là ngụy quân đứng đầu là tên sếp Son người xã Mão Điền về xây bốt ở khu Đình Làng. Lúc đó Đình đã bị đốt để tiêu thổ kháng chiến.

Chúng dỡ Điếm lấy gạch mang đi xây lô cốt, còn ba gian khung điếm bằng gỗ lim, tên Son mang về nhà làm của riêng. Trong xóm phải xây tạm ngôi miếu chừng 3 mét vuông để thờ cúng.

-Năm 1965-1966, giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trường cấp I Thượng Mão xây dựng trên nền điếm một phòng học bằng tre lợp ngói móc,  miếu thờ vẫn để nguyên.

-Năm 1977, sự nghiệp giáo dục trước tuổi đi học phổ thông phát triển, ao điếm được san lấp thành một khu vuông vắn cạnh đường cái trước điếm mới được quy hoạch để xây dựng một Nhà trẻ và lớp Mẫu giáo. Các lớp này hoạt động ở đây đến năm 2011-2012, sau khi Trường Mầm Non của xã xây dựng xong.

-Năm 2012, từ nhu cầu giữ gìn, tôn tạo công trình văn hóa tâm linh của xóm, cán bộ và nhân dân trong xóm quyết định xây dựng cải tạo lại Điếm Ngõ Làng. Điếm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ là nơi thờ cúng Thổ Kỳ,cúng các cụ hậu của xóm, nơi cúng cho các cô hồn và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa TDTT; là  một điểm bầu cử của Thôn… Trưởng xóm Nguyễn Thị Hoàn nhận nhiệm vụ báo cáo với các cấp lãnh đạo nguyện vọng của bà con trong xóm, được lãnh đạo nhất trí  cho xây dựng. Toàn bộ kinh phí xây dựng do bà con trong xóm vừa đóng góp, vừa hảo tâm giúp đỡ;  nhân dân các xóm khác cũng giúp đỡ phần nào. Điếm được xây mới là một nhà cấp 4, gồm 5 gian vững chãi, sân được nâng và đổ bằng xi măng rộng rãi, là nơi bà con tập thể dục, đánh bóng bàn, chơi cầu lông; người già trẻ nhỏ vui chơi hàng ngày.


Trên cột đồng trụ của Điếm hiện nay, có ghi 2 câu đối của 2 tác giả trong xóm kính tặng :


Đôi câu đối thứ nhất ( Tác giả Nguyễn Hữu Kim) :


-         Miếu tự môn, tuế nguyệt anh linh phù thịnh vượng

-         Hương Dinh hạng, tứ thời phúc huệ lại an khang


(Nơi miếu thờ, năm tháng linh thiêng; phù hộ độ trì cho xóm thôn thịnh vượng;

Xóm Hương Dinh, bốn mùa ơn được ban cho phúc huệ, luôn mạnh khỏe yên vui)


Điếm xóm Ngõ Làng


Đôi câu đối thứ hai ( Tác giả Lê Doãn Cấp) :


-         Trung Thôn ấn tích quang khoa bảng

-         Hương hạng cổ kim hoán vũ văn


(Làng Giữa thường vẫn có tiếng là học tập và đỗ đạt;

Ngõ Làng từ xua tới nay sáng sủa, thành đạt cả võ lẫn văn).


                                               *o0o*


           những người trong xóm, tương đối cao tuổi, nắm rõ mảnh đất con người nơi đây, các tác giả hai câu đối trên muốn nói lên truyền thống lịch sử văn hóa của xóm Ngõ Làng ( Hương Dinh Hạng).

          Bà con, anh em trong xóm từ xưa tới nay ăn ở với nhau có nghĩa có tình, lấy nghề nông làm trọng, nhưng còn biết làm thêm nghề nuôi tằm, dệt vải ươm tơ, làm máy may; một số người đi làm thợ, dạy học; buôn bán… để phát triển kinh tế gia đình. Cho nên, không giống như một số nơi thuần nông khác, các gia đình trong xóm đều có kinh tế khá, không chênh nhau quá về mức độ giầu nghèo. Là một xóm coi trọng học tập để mở mang  tri thức, học để biết đạo lý làm người, học để tăng hiểu biết làm kinh tế; từ trước tới nay đời sống của bà con ngày một nâng lên, cảnh quan từng nhà và xóm ngõ ngày một khang trang; mọi tiện nghi sinh hoạt hàng ngày đều được các gia đình mua sắm tương đối đầy đủ…


          Xóm Ngõ Làng còn có niềm tự hào riêng, vì nếu kể đến những người sinh ra, trưởng thành từ xóm ngõ này có những điển hình đáng trân trọng.

          + Làng Đại Mão có Văn Chỉ, có bia ghi tên các vị đỗ đạt của quê hương, trong 51 vị được gi tên vào bia có 23 vị ở xóm Ngõ Làng

+ Ngõ Làng có những danh nhân đáng trân trọng : Cụ Đỗ Trọng Dư làm tri phủ Quốc Oai ( Hà Nội ngày nay), là người có học vấn nhưng thích đàm đạo với các cụ quê mùa, là tác giả cuốn Quan Âm Thị Kính nôm. Cụ Lê Chu Kiều ( Chi họ Lê Nho ông Lê Nho Bồng thờ) là tri huyện Thanh Ba ( Phú Thọ) là một viên quan có tiếng thanh liêm, thẳng tay trừng trị quan quân dưới quyền tham nhũng lộng hành, có 5 người con học tập thi đỗ cả 5 người . Cụ Đỗ Trọng Vĩ, án sát Cao Bằng - Thái Nguyên; sau là Đốc học Bắc Ninh, có tác phẩm Bắc Ninh địa dư chí; là người có công lớn trong việc di chuyển tôn tạo Văn Miếu Bắc Ninh từ Đáp Cầu về vị trí hiện nay.

Các cụ Đỗ Trọng Vĩ, Nguyễn Hữu Lịch, Lê Nho Cúc được sắc phong của vua nhà Nguyễn.

          +Tham gia kháng chiến chống Pháp từ buổi đầu có nhiều ông bà như : Ông Đỗ Trọng Tứ, Lê Nho Thầm, Lê Đình Thỉnh, Nguyễn Hữu Nhạn, Lê Đình Lượng, Lê Đình Kỉnh, Lê Đình Tính, Lê Nho Duyện, Trịnh Đức Tần, Trần Hữu Cán, Lê Doãn Các, Đỗ Trọng Hùng, Đỗ Tuấn Vũ, Đỗ Tuấn Anh ( Trần Dực ) Lê Nho Linh,  Lê Thị Đằng…chiếm khoảng 50% số người trong thôn tham gia đầu tiên. Điển hình là Ông Đỗ Trọng Tứ, người đảng viên đầu tiên của Chi bộ Thượng Mão. Ông tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng phong trào bí mật ở thôn. Khi  ông đang cắt thuốc Bắc cho dân thì  bị giặc theo Pháp  bao vây nhà, bắt ông. Chúng tra tấn ông hết sức tàn nhẫn, bắt cả vợ ông để uy hiếp tinh thần, song ông không khai báo cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì ở ông, chúng bắt ông lên bốt Hồ giam ở đó; đánh đập tra hỏi rất tàn tệ, ông vẫn chỉ khai làm nghề cắt thuốc cứu dân độ thế. Bị hành hạ đến kiệt sức, mang nhiều bệnh tật chúng phải tha ông về, sau khi ông mất 50 năm ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ.

          Một số thiếu nhi lúc đó cũng tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp như các ông Lê Doãn Cấp, Nguyễn Hữu Hoạch…Nhiều gia đình nuôi giấu cán bộ, bộ đội, giúp đỡ kháng chiến như Cụ Đỗ Thị Mùi ( cụ giáo Cúc), cụ Vũ Thị Cấp ( mẹ ông Kỉnh, Tính)…Bà Lê Thị Dư ( vợ ông Lê Nho Thầm) đã ủng hộ 1 chỉ vàng trong  lễ phát động Tuần Lễ Vàng ủng hộ kháng chiến.


          Trong thời phong kiến, làng Đại Mão có 4 vị võ quan. trong thời đại Hồ Chí minh, thanh niên trong xóm đến tuổi, đủ điều kiện đều gia nhập lực lượng vũ trang tham gia đánh giặc cứu nước.Từ kháng chiến chống Pháp đến nay, Ngõ làng có 16 vị được phong hàm cấp tá, chiếm 50% số lượng trong thôn; đặc biệt có 2 sĩ quan được phong cấp tướng là Đỗ Trọng Khuê và Lê Đình Đạt, một Đại tá nghỉ hưu được hưởng lương cấp tướng ( Đỗ Tuấn Anh - Trần Dực).

          Sự hy sinh cũng là đáng kể : Trong các cuộc kháng chiến, Ngõ làng có 13 thương bệnh binh; 9 Liệt sĩ ( 18%) trong thôn, trong đó có LS là con trai duy nhất của gia đình ( Lê Nho Nhẫm).


          + Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và Chống Mỹ cứu nước, hầu hết các gia đình trong xóm Ngõ Làng được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại về thành tích đóng góp; một số dược nhận danh hiệu cao quý như Chiến sỹ Thi đua ngành nông nghiệp Nguyễn Phấn Hiền, CSTĐ về quân sự địa phương Lê Nho Duyện, Trịnh Đức Tần; CSTĐ ngành Quân giới Lê Nho Linh, CSTĐ ngành giao thông Lê Nho Quý, CSTĐ ngành giáo dục như Nguyễn Hữu Kim, Lê Nho Thu… Có 3 thanh niên là Đoàn viên Thanh niên Lao động Việt Nam được Trung ương Đoàn khen thưởng là Lê Doãn Cấp, Lê Doãn Khái, Nguyễn Hữu Kim…
             Là một xóm coi trọng học tập để mở mang tri thức, học để biết đạo lý làm người, học để tăng hiểu biết làm kinh tế; ngay từ sau ngày hòa bình lập lại 1954 nhiều người trong xóm đã đi học các lớp học bình dân, BTVH và sau này là học phổ thông. Con em các gia đình đều được đi học và phấn đấu để học tập tốt. số học sinh được đi học cấp III và các cấp cao hơn ngày một tăng. Hiện nay trong xóm đã có hơn 200 người có trình độ Cao đẳng và Đại học. Trong số những người sinh ra và lớn lên ở ngõ này, hiện có 3 người đạt trình độ Tiến sĩ (thời đại mới)

                                                             ******o0o*****


          Thiên nhiên đã sinh ra Ngõ xóm này;  nhiều thế hệ con người đã có công khai khẩn, tu bổ và tôn tạo nên nó. Người người, nhà nhà ở Hương Dinh Hạng đều được hưởng hồng phúc của đất trời và tiền nhân để lại.
          Ngày nay bà con dân xóm càng đoàn kết; biết ơn, noi gương và phát huy truyền thống ông cha; xây dựng Ngõ xóm ngày một  giầu có, văn minh, góp phần cùng các xóm khác trong thôn xây dựng một Làng Văn hóa phát triển bền vững./.

                                                                                                                                                                                                                          
                                                                                                                               05-2013

                                                                                                   NGUYỄN HỮU KIM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét