Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 5 )

                                                                                LÊ NHO LÃNG       
           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 5 giới thiệu bài viết của ông LÊ NHO LÃNG (ở xóm 2 Đại Mão)  giới thiệu cho lớp trẻ những hiểu biết về một Di tích Lịch sử Văn hóa nay đã mất : Văn Chỉ làng Đại Mão.

Văn Chỉ đã bị giặc Pháp dỡ  năm 1950 để lấy gạch, gỗ đi làm bốt, gần đây thôn Đại Mão có chủ trương phục dựng lại . Mời các bạn đọc bài viết để hiểu thêm làng xóm quê mình từ những ngày xưa…

                                       
            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả về mảnh đất và con người quê hương. Bài viết xin đánh máy và  gửi cho ông Lê Đình Ngạn, địa chỉ nganhttt@gmail.com
                                                                  %%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%


   VĂN CHỈ LÀNG TÔI

Gần đây, người dân Đại Mão nhận được một tin vui: Chi bộ và Lãnh đạo Thôn chuẩn bị cho phục dựng lại Văn Chỉ Làng. Những người già chúng tôi vui lắm! Thế là hơn 60 năm từ khi bị giặc phá không còn dấu tích,  nay Văn Chỉ chuẩn bị sống lại cùng với lớp trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương.
Theo tác giả  Vũ Hiệp : Các làng quê Việt Nam trước năm 1945 đều có Văn Chỉ để thờ các Thánh Nho, Tứ phối, Thập Triết cùng các vị tiên Hiền, tiên Nho và các cụ trong làng có chữ nghĩa, phẩm hàm Văn Giai (quan Văn), do triều đình phong cấp cho (như Thị Lang, Hồng Lô Thái Bảo, Hàn Lâm, Bát phẩm, cửu phầm Văn Giai, Bá Hộ …) mà có công với làng, đã khuất. Chỉ trừ các làng Công Giáo theo Tây, theo đạo Chúa thì không có đình, Miếu, Chùa, Am, các Từ Đường. Làng theo Đạo, không có Văn Chỉ.
Việc thờ Khổng Tử, Hiền Triết, Tiên Nho ở Văn Chỉ làng xã đã có từ thời Trần (1225 – 1400). “Năm Canh Tuất (1070) tháng tám, mùa thu, Vua Lý Thánh Tông sai lập văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử Chu Công và Tứ Phối. Vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền (72 Hiền Nho). Bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến đấy học” (Đại Việt Sử Ký T.T/ Ngô Sĩ Liên/ Bản dịch, tập I, trang 234 NXB – KHXH/ Hà Nội 1967). Từ triều Anh Tông (1293 – 1314) nước ta đã đánh thắng đuổi xong giặc Nguyên Mông. Triều đình có nhiều Nho gia giúp Vua trị nước, bớt chịu ảnh hưởng Phật học và các Tăng Sĩ như thời Lý và 4 Vua đầu nhà Trần. Có lẽ, ở 1 số làng có người Nho học đỗ đạt trọng Nho học, đã bắt đầu lập Văn Chỉ thờ Thánh Khổng và Tiên Nho để tỏ lòng kính mộ Đạo Nho.
Nhưng sự phổ biến lập Văn Chỉ ở các làng xã có học thức Nho giáo phải từ 38 năm làm Vua của Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và các Vua kế tiếp (Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực) mới thịnh hành. Vì lúc đó nước ta phát triển cực thịnh về giáo dục Nho học và mở nhiều khoa thi nhất. Từ phủ, huyện cho đến thôn xã đều có trường dạy học. Sĩ tử đua nhau đi học, đi thi.
          Vậy Văn Chỉ là gì? “ Văn là người có học vấn, văn vẻ, lời văn”, “Chỉ là cái nền đất, nơi quê quán” (Xem HV Tự Điển/ Đào Duy Anh, trang 162 và 536). “Văn Chỉ là nền Tế Thánh Khổng ở các hương thôn lập nên. Còn của nhà Vua lập ra gọi là Văn Miếu” (trang 536) ở Kinh Đô.
Tác giả  Vũ Hiệp  còn cho rằng:  “ Văn Chỉ rất quan trọng đối với các thôn xã có ít nhiều  Nho sĩ. Huống chi các làng cổ có từ triều Trần như Đông Ngạc, Yên Quyết (Cót, Vòng), La Khê, Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Kim Lũ, Kim Đôi, Bát Tràng, Lạc Đạo, Tam Sơn, Phù Đổng, Nghĩa Lư, Hoài Bão (làng Bịu), Vọng Nguyệt (làng Ngọt), Mộ Trạch, Đan Loan (Luân), Hoạch Trạch (Vạc) … và các làng Tiến sĩ ở huyện Chí Linh, huyện Thanh Lâm, Tứ Kỳ, Trường Tân (Gia Phúc, Gia Lộc), huyện Đường hào Gia lâm. Cùng các làng cổ ở Sơn Nam (Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) và Thanh Hoá, Nghệ An … càng về sau, thời Lê Sơ (1428 – 1527) thời Mạc (1527 – 1592), Thời Lê Trịnh (1593 – 1788), thời Nguyễn (1802 – 1945) tại những nơi trên sự tôn sùng Nho học lên cao độ. Trừ các làng quá nghèo khổ, ít văn hóa như các làng chài lưới, diêm điềm (ruộng muối), sơn lâm (làm nghề rừng) và các làng sắc tộc thiểu số ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thì ít có điều kiện theo Nho học do kinh tế và trình độ nhân văn thấp. Đa số các làng xã đó không có Văn Chỉ hay Văn Từ. Nhưng các làng có văn hoá cao như đã kể ở trên, đều thiết lập Văn Chỉ để tôn sùng Đạo Nho. Ngay cả các làng trung bình ở Bắc Bộ thưở đó, hàng năm chỉ có vài người theo đuổi Nho học; mấy trăm năm học chữ Thánh Hiền, mà chỉ đỗ được 1, 2 ông Sinh Đồ, Tú Tài, vài ông Nhị Trường, dăm ông Khóa ở mỗi làng. Nhưng người ta cũng dựng lên Văn Chỉ. Thật ra, nói và thờ Khổng Tử, Tiên Nho, đúng sự thật là khuyến khích con em trai trẻ cố học để đỗ đạt, ra làm quan. Mà xưa kia, chỉ có thi cử mới là con đường làm quan, trị nước (trừ quan võ chuyên việc binh). Mà “một người làm quan cả Họ, cả làng được nhờ”.    

    Phan Kế Bính (1875 – 1921) đã viết về từ Văn Chỉ, trong sách Việt Nam Phong Tục                                             Phụ chép:Việt Nam Phong Tục (trang 802-803)

VĂN TỪ, VĂN CHỈ:     Mỗi làng có một văn từ hoặc văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là văn chỉ, có lợp mái gọi là văn từ. Văn từ, văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt, thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư, để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.
Các nơi thờ riêng những bực khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:
Hạng nhất là những người đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa;
Hạng nhì là những người đỗ trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên, thờ ban hữu;
Hạng ba là những người đỗ tiểu khoa (Tú tài) và những người làm đến bát, cửu phẩm, thờ ban tả.
Đến khi tế tự thì đem cả hào mục tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.
Nhưng nhiều nơi chỉ trong riêng về đường khoa mục, hẽ có đỗ mới được liệt tự, còn người làm quan dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.
Mỗi năm tháng hai, tháng tám tế hai kỳ, gọi là xuân thu nhị định. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.
Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng, hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.
Khi đi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra lễ văn chỉ để tạ ơn tiên hiền.                                                              .                                       ---------------------------------------------------
         Năm Canh Dần 1950,  tôi ( Lê Nho Lãng ) được nghe cụ Lê Nho Quán, một lão nho trong làng kể chuyện về Văn Chỉ làng ta. Cụ Lê Nho Quán sinh năm Mậu Tuất 1898, tuy không phải là khoa bảng nhưng nhờ hồng phúc của tổ tiên, cụ cũng có chân trong Tư văn hội. Nên biết thêm, nhiều làng trọng người biết chữ, đã tham gia vào Hội Tư Văn (người có văn chương = làng Nho, người có học thức) để được dự Tế Xuân Thu Nhị Kỳ và ra giữ việc làng. Nếu có công đức, liêm chính, lúc chết được thờ ở Văn Chỉ. Đó là danh vọng của thôn xóm xưa. Bởi thế, thưở xưa, chỉ trừ nhà nghèo đói kiệt xác còn các nhà bần nông, trung nông, thợ thủ công đều có nuôi con trai cho theo họ chữ Thánh Hiền. Dù học được vài chữ Chi, Hồ, Giả, Dã (như A, B, C) cũng mát lòng hả dạ. Được Văn Chỉ lễ là mừng rồi! Ai có con cho đi học đều mong sau này con được giỏi chữ nghĩa, nếu chẳng đỗ đạt thì cũng có chữ nghĩa để đọc được văn khấn gia tiên trong ngày kị hàng năm và đọc được tờ Văn tự mua bán ruộng đất, nhà cửa (Nay gọi là Bằng Khoán).
Tôi nghĩ, không hẳn như tác giả Vũ Hiệp nhận xét ở đoạn trên, ở huyện ta  và các vùng phụ cận, gần như làng nào cũng có Đình, có Chùa, nhưng Văn Chỉ không phải thôn, tổng nào cũng có. Về Văn Miếu, ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, chỉ có một số ít tỉnh có Văn Miếu ( cấp tỉnh) như Hải Dương, Bắc Ninh…Văn Miếu hàng huyện cũng vậy. Còn Văn Chỉ không phải thôn nào cũng có. Nhờ câu chuyện của cụ Lê Nho Quán, tôi mới có cơ hội hiểu thêm về Văn Chỉ quê mình.

Cụ Lê Nho Quán kể : Làng Đại Mão có Văn Chỉ từ thời Lê Trung Hưng, thời xưa các cụ hay gọi là Miếu Thánh.
Miếu Thánh Đại Mão được xây trên nền con Quy ( gần khu Nghĩa trang Liệt Sĩ xã Hoài Thượng ngày nay), có tả long hữu phượng; long mã án hà đồ; thật là nơi có thế đất thiên nhiên kỳ thú. Là một công trình kiến trúc theo kiểu “ nội công ngoại quốc”,  thượng điện là một ngôi nhà 3 gian, có tượng Đức Khổng Tử, trên treo một bức hoàng phi “ Vạn Thế Sư Biểu” ( thầy của muôn đời). Bẩy gian hạ điện (tiền tế) có hoành phi 3 chữ “ Văn Lễ Tại”; là nơi các quan hành lễ đức Khổng Tử.
Hai bên còn có 2 dẫy giải vũ để bia ghi tên các bậc khoa bảng trong làng. Dãy bên phải là nơi để bia ghi tên các bậc Đại khoa, bên trái đề tên các bậc Trung khoa. So với các làng như Thư Đôi (…), Vọng Nguyệt thì số đỗ Đại khoa không bằng, nhưng các bậc Trung khoa thì họ nào cũng có.
Trải qua nhiều cuộc biến thiên, Miếu Thánh cũng có nhiều thay đổi. Năm Quý Sửu 1913, trời làm một trận hồng thủy, đê Đại hà bị vỡ cách Miếu Thánh độ hơn nửa cây số, 3 gian Thượng Điện bị lũ cuốn trôi, tượng Đức Khổng Tử không còn, nhiều tấm bia đá bị hư hại.
Sau khóa thi năm Ất  Mão  1915, khóa thi Nho học cuối cùng của thời phong kiến, làng  di chuyển Miếu Thánh về cạnh Đình Làng, từ đó đổi tên là Văn Chỉ. Do điều kiện kinh tế của làng lúc đó còn hạn hẹp do lụt lội liên miên, làng phải bán một số chân Tư Văn để có kinh phí tu bổ văn Chỉ. Những người mua tư văn cũng được gọi là quan viên ( quan viên mua); từ đó Văn Chỉ làng chỉ còn là nơi tế các bậc tiên hiền tức là các bậc khoa bảng trong làng.                                                       
                                                           o o o  
Vậy Miếu Thánh – Văn Chỉ làng tôi cũng như nhiều nơi khác, là nơi  thờ Đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền trong làng , là công trình kiến trúc mang  ý nghia tôn vinh những người chịu khó học hành, đỗ đạt; động viên sự học của làng với tất cả các thành viên trong địa phương từ thời Hán học . Một điều rất hay là: Văn Chỉ làng tôi cũng là nơi truyền bá chữ quốc ngữ cho những thế hệ dân cư về sau này.
Như nhiều người đã  đã biết:  Chữ quốc ngữ mà chúng ta quen dùng hiện nay vào đầu thế kỷ XX chưa được Nhà nước phong kiến bảo hộ và người dân dùng nhiều.                                                                  
Tham khảo thêm:   Chữ Quốc ngữ, còn được gọi tắt là Quốc ngữ, là hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latinh (cụ thể là trực tiếp từ chữ cái Bồ Đào Nha) thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ — 4 dấu tạo ra các âm mới, và năm dấu còn lại dành cho thể hiện thanh điệu của từ. Hai loại dấu phụ có thể được viết cùng trên một chữ cái nguyên âm.
                                       Thời kỳ đầu
Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng và định chế vào khoảng thế kỷ 19  20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ La tinh. Trước tiên là giáo sĩ Bồ Đào Nha dòng Phanxicô; kế đến là giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Đa Minh[3] rồi dòng Tên. Sang thế kỷ 17 thì số văn tịch ghi lại dấu vết loại chữ này càng nhiều, kèm theo những biến đổi hoàn chỉnh với ký hiệu thanh giọng thêm chính xác. Tên tuổi những giáo sĩ đã tiên phong góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này gồm có Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa  Francisco de Pina.[4]
Giáo sĩ Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes) người Pháp được coi là người có công nhiều trong việc định chế chữ quốc ngữ qua cuốn tự điển phiên âm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum mà ông soạn và in ra năm 1651. Tuy là người Pháp nhưng ông lại dùng tiếng Bồ Đào Nha trong cuốn tự điển cùng những đóng góp của tiếng Ý  tiếng Pháp. Soạn giả còn ghi rõ ông mượn dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng Cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt.[5].
So sánh ký hiệu thì âm nh theo tiếng Bồ; gi theo tiếng Ý; còn ph theo tiếng Cổ Hy Lạp.
Các văn bản Công giáo thời kỳ này là tài liệu ghi chép quan trọng về cách phát âm của tiếng Việt cổ. Trong những tài liệu còn lưu trữ được là bản thảo "Manescrito, em que se Prou a, que a forma do Bauptisma Pronunciada em Lingoa Annamica he Verdadeira" do giáo sĩ Giovanni Filippo de Marini (1608-1682)[6] người Ý thuộc dòng Tên, sang đến Đàng Ngoài giảng đạo năm khoảng thập niên 1650, thì lối viết chữ Quốc ngữ ở giai đoạn đó như sau:[7]
Tau rửa mầi nhân danh Cha, ủa Con, ủa Spirite Santo. Tau lấy tên Chúa, tốt tên, tốt danh, tốt tiếng, vô danh, cắt ma, cắt xác, Blai có ba hồn bảy uía, Chúa Bloy Ba Ngôy nhẩn danh...
Thế kỷ 19
Một mốc quan trọng của chữ Quốc ngữ là cuốn tự điển của giáo sĩ Jean-Louis Taberd, in năm 1838, căn cứ vào những sửa chữa của Giám mục Bá Đa Lộc.[8]
Cuốn tự điển của Bá Đa Lộc được soạn từ năm 1773 đến 1815 thì hoàn thành, mang tên Dictionarium Annamatico-latinum nhưng chưa được in ra (bản viết tay nay còn giữ ở Văn khố Hội Truyền giáo Paris). Trong khi đó tự điển của Taberd mang tên Nam Việt Dương hiệp Tự vị (tựa tiếng Latinh cũng giống như cuốn của Bá Đa Lộc là Dictionarium Annamatico-latinum) được in ở Serampore, Ấn Độ. Nó phản ảnh một biến chuyển quan trọng của tiếng Việt trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 19. So sánh tự điển của Taberd và De Rhodes thì âm "ȸ" biến mất, thay thế bằng âm "v" hoặc "b". Những âm "bl", "ml", "pl", "sl", và "tl" cũng biến mất, thay thế bằng "tr", "nh", "l", "s". Dạng chính tả của chữ Quốc ngữ ở thời điểm này không khác mấy cách viết ngày nay.
Cuốn tự điển có phần phụ lục tựa là "Lời Chúa Tàu và Người Annam vấn đáp cùng nhau" (Dialogus Inter Unum Navis Praevectum et Unum Cocincinensem), trong đó có đoạn như sau:[9]
- Ông đi viếng Quan lớn thì được song thói nước nầy chẳng cho phép thăm đờn bà.
- Tôi cam lòng chìu theo quốc pháp, tôi chẳng có ý làm đều gì nghịch cùng thói phép đất nầy, có tục ngữ rằng: nhập giang tùy khúc nhập gia tùy tục.
Đọc qua, ngoài một số chữ khác biệt cách viết nhưng ý đã rõ, không là trở ngại cho độc giả thế kỷ 21. Tuy nhiên vào thời điểm này phạm vi dùng chữ Quốc ngữ vẫn hạn chế trong việc ghi chép của cộng đồng Công giáo. Ngoài ra đại chúng người Việt không dùng lối chữ này.
Địa vị chính thức
Chữ Quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm vẫn không được công nhận là văn tự chính thức cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm lấy Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Ngày 22 tháng 2 năm1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn.[10]
Ngày 1 Tháng Giêng năm 1879 thì lại có lệnh đòi các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc ngữ. Cũng năm đó chính quyền Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.[10]
Khi Gia Định Báo phát hành, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt, thì câu văn đã thêm phần mạch lạc, chính tả không mấy khác ngữ văn ngày nay ví dụ như bản thông báo ngày 22 tháng 12 năm1888 sau đây:[11]
Sở Thuế Chánh Ngạch. Các người thiếu thuế... đặng hay: các sổ phụ trong tháng Octobre 1888 thuế đất, thuế sanh ý, thuế ghe biển, thuế ghe sông, cùng thuế thân đã lập theo phép để trong tay quan Kho Bạc Sài Gòn và Chợ Lớn hay về việc thâu thuế. Bởi đó sức cho các người ấy phải y theo hạn trong luật dạy mà đóng các món thuế biên trong sổ ấy, bằng không thì phải cứ phép mà bắt buộc...
Thế kỷ 20

    Sang thế kỷ 20 thì chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910.[12] Năm 1915 thì kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ mặc cho sự chống đối của giới sĩ phu. Ở Trung Kỳ thì đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28 tháng 12, 1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế.[13] Chữ Quốc ngữ từ đó trở thành phương tiện diễn đạt duy nhất của người Việt trong khi địa vị Chữ Nho  chữ Nôm càng mờ nhạt tuy chưa mất hẳn nhưng lui dần vào quá khứ.
Trong khi đó cũng có thành phần theo Nho học nhưng hiểu được giá trị của chữ Quốc ngữ và cổ động việc thâu nhận chữ Quốc ngữ như là một cách nâng cao trình độ kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và huy động động lực phản kháng của người Việt trước quyền lực của thực dân Pháp. Trong đó có nhóm Đông Kinh nghĩa thục.[14] Việc theo học chữ Quốc ngữ theo đó thì không chỉ là phương tiện đọc và viết mà còn hàm ý vận động chính trị và vận mệnh dân tộc.[15]
Chữ Quốc ngữ qua những tác phẩm biên khảo, phóng sự, bình luận, du ký của những Nam Phong Tạp chí, Đông Dương Tạp chí, cùng một loạt tiểu thuyết  thơ mới của nhóm Tự lực Văn đoànvới tư tưởng mới, phong cách mới cũng và nhiều tác giả khác đã chứng minh chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ làm văn tự của người Việt để rồi sau năm 1945 các chính quyền kế thừa đều công nhận lối chữ này.
Vấn đề phiên âm
Phiên âm hay còn gọi là dịch âm tức là đọc và ghi lại các từ ngữ không phải là tiếng Việt bằng các âm tiết có sẵn trong tiếng Việt, có cách phát âm tương tự hoặc gần tương tự. Cho đến hiện nay vẫn tồn tại tranh cãi quanh vấn đề khi nào cần phiên âm từ ngữ không phải là tiếng Việt sang tiếng Việt, khi nào không cần, nếu phiên âm thì sẽ thực hiện như thế nào, viết bằng chữ quốc ngữ ra sao.
Hiện tại có các tranh cãi chủ yếu như sau về phương pháp phiên âm và cách ghi lại bằng chữ quốc ngữ các từ được phiên âm:
·     Có nhất thiết phải căn cứ theo cách đọc trong ngôn ngữ gốc của từ được phiên âm để phiên âm sang tiếng Việt không? Nếu không thể tìm ra được cách đọc trong ngôn ngữ gốc mà chỉ biết được một số cách đọc khác nhau trong một số ngôn ngữ thì nên dựa theo cách đọc của ngôn ngữ nào?
·     Nên viết liền hay viết tách rời có dấu cách hay viết tách rời không có dấu cách các âm tiết của một từ có nhiều âm tiết? Ví dụ như: nên viết là "phốt-pho", "phốtpho" hay "phốt pho"? Nếu viết liền thì làm thế nào để phân biệt các âm tiết, không bị đọc sai. Ví dụ như: "Xuphanuvông" đọc là "Xu-pha-nu-vông" hay "Xu-phan-u-vông"?
·     Với địa danh không phải ở Trung Quốc nhưng lâu nay được mọi người quen gọi bằng tên gọi Hán Việt có cần dịch lại cho sát hơn với tên gọi trong ngôn ngữ gốc không? Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức vân vân.
·     Với những từ gốc Hán thì trường hợp nào nên phiên âm theo âm Hán Việt, trường hợp nào nên phiên âm theo cách đọc trong tiếng Trung Quốc? Nếu phiên âm theo âm Hán Việt nhưng không thể biết được từ cần phiên âm có âm Hán Việt là gì thì sẽ phải dịch như thế nào?
·     Nếu từ cần phiên âm mang một thanh điệu mà tiếng Việt không có thì từ này khi phiên âm sang tiếng Việt nên cho nó mang thanh điệu gì?
·     Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu. Một từ trong tiếng Việt luôn luôn phải mang một thanh điệu nào đó, không có từ không có thanh điệu. Nếu từ được phiên âm không mang thanh điệu thì khi phiên âm sang tiếng Việt có thể cấp phát thanh điệu tùy ý cho chúng được không? Nếu không thì nên mang thanh điệu gì?
Khuyết điểm
Thông thường mỗi chữ cái Latinh biểu thị một âm vị. Trong hệ thống chữ quốc ngữ có một số âm vị của tiếng Việt được ghi lại bằng chữ cái nhị hợp và tam hợp, do hai, ba chữ cái ghép lại mà thành.
So với hai loại văn tự ý âm từng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam là chữ Hán  chữ Nôm, người đọc và viết chữ quốc ngữ gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt nghĩa của các từ đồng âm dị nghĩa vì các từ này hầu hết được viết giống nhau, trong khi đó với chữ Hán và chữ Nôm, các từ đồng âm dị nghĩa thường được ghi lại bằng những chữ khác nhau. Ví dụ như "bàn" trong "bàn bạc" và "bàn ghế" nếu viết bằng chữ quốc ngữ thì đều là "bàn", nếu viết bằng chữ Nôm thì chữ "bàn" trong "bàn bạc" viết khác với chữ "bàn" trong "bàn ghế".
Khoảng năm 1920 Văn Chỉ làng tôi có thể coi như một ngôi trường dạy chữ Quốc Ngữ. Người thầy giáo đầu tiên là cụ Đỗ Kỳ người họ Đỗ trong làng.
Cụ Đỗ Kỳ là con trai thứ ba của quan Đốc học Đỗ Trọng Vĩ. Thời Hán học, cụ đỗ Tú Tài 3 lần nên còn gọi là cụ Tú Mền. Năm 1919,cụ Đỗ Kỳ được vào Huế học chữ quốc ngữ. Sau đó về làm tổng sư . Thời gian đó, công văn do các quan trên truyền xuống hoặc ngay một giấy khai sinh có khi phải dùng cả 3 thứ chữ: Pháp, Hán và chữ quốc ngữ. Lúc đầu, phải đi vận động con em từng nhà và bắt buộc các nhà chức trách địa phương phải đi học loại chữ này. Vì thế con em các nhà chức trách đều đã đi học; như cụ Chánh Đền, một nhà Nho xuất sắc lúc ấy cũng cho tất cả các con theo học chữ quốc ngữ. Các con của cụ Chánh sau này có người đi dạy học như cụ Lê Doãn Ưu ( cụ giáo Hai), cụ Lê Doãn Bội sau  là cán bộ ngành Nông Lâm, cụ Lê Doãn Yển đi học trường cấp II,III Hàn Thuyên thời chống Pháp rồi đi Liên Xô học Đại học, sau đó giảng dạy tại Trường Sĩ quan Pháo Binh.
Việc tuyển chọn công chức địa phương cũng được sát hạch bằng chữ quốc ngữ. Một giai thoại kể rằng, có dạo làng khuyết một chân thư ký,có hai người xin ra làm cho nên quan trên phải kiểm tra học lực, trình độ. Hai người ngang sức nhau nên quan nẩy ra một kế là cho kiểm tra toán.
Đầu đề như sau: Nhà thầy Lý có 3 con gà và 5 con vịt. Hỏi nhà thầy Lý có tất cả mấy con?
Thí sinh thứ nhất đặt bút viết ngay : 3 con + 5 con = 8 con. Quan lắc đầu cười!
Thí sinh thứ hai không hiểu lắm về toán, cứ ngồi ngay như tượng. Sau nhờ một thầy Nho ghé tai bảo: “ Dị chủng bất đồng cư”- thế là anh này viết ngay : 3 con gà + 5 con vịt = 3 con gà + 5 con vịt và đệ lên quan. Quan khen là tốt và cho anh thứ 2 này đắc cử. Từ đó anh được gọi tên vui là “ Ông ký Vịt”.                                                                                                         
                                                                 o O o
Văn Chỉ làng tôi còn là nơi tuyên truyền tư tưởng cách mạng thời kỳ Pháp thuộc, là nơi giác ngộ để ra đời tổ chức Thanh niên, Thiếu niên Cứu quốc. Do thời cuộc, con người  và thiên nhiên  làm cho thay đổi, Văn Chỉ làng hiện không còn, nhưng nền đất làm Văn Chỉ vẫn còn; sự học ở làng ngày càng phát triển dưới chế độ mới.
 Làng xã và từng dòng họ, từng gia đình ngày càng quan tâm đến việc học hành của con em; công tác khuyến học, khuyến tài ở thôn tôi ngày càng khởi sắc. Gần đây, làng có 3,4 người đã có học vị Tiến Sĩ , hàng mấy trăm người đạt trình độ cao học, cử nhân; trình độ Trung cấp nhiều không kể hết, các cháu đều được học hết cấp III phổ thông, Thư Viện thôn được thành lập, việc học Nghề  được quan tâm.
Có được kết quả ấy, là do có chế độ mới, và do người dân làng tôi luôn biết phát huy truyền thống cha ông trong lao động, học hành.
Mong sao, Văn Chỉ sớm được xây dựng lại, là nơi di tích ; giáo dục khuyến khích sự học của quê hương để mỗi người dân đều ĐƯỢC VÀ PHẢI học tập suốt đời./.                                                                                                                                                                                  
                                                                                                       Đại Mão- tháng 5 năm 2013                                                                                                                                       


                                                                                                       LÊ NHO LÃNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét