Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 3



ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 3 )
                                                                    Lê Nho Lãng          
           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 3 giới thiệu bài viết của cụ Lê Nho Lãng (ở xóm 2 Đại Mão) ghi lại vài kỷ niệm về một người anh em trong họ Lê Nho ( và cũng là anh em đồng hao với cụ Lãng) :  Cụ Lê Nho Thâm .

 Có thể nói cụ Lê Nho Thầm là một trong những tấm gương tiêu biểu của Người làng Giữa vì nước vì dân, một trong những người Đại Mão đầu tiên giác ngộ cách mạng và tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp, tham gia xây dựng miền Bắc hậu phương, góp phần cùng cả nước kháng chiến  Chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Cụ chỉ có một người con trai duy nhất, nhưng cũng cho con vào bộ đội, đi chiến trường Miền nam và đã anh dũng hy sinh.

Về phong cách sống, cụ là một “ quan cách mạng ” tầm trung, nhưng vẫn luôn là một con người liêm khiết, đức độ và tình cảm; một trong nhiêu người có thực ở làng  đã “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh ” từ khi chưa có cuộc vận động như ngày nay.
                                        ----------------------------------------------------------------

            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả về mảnh đất và con người quê hương. Bài viết xin đánh máy và  gửi cho ông Lê Đình Ngạn, địa chỉ nganhttt@gmail.com

                                                                  %%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%

   NHỚ ÔNG LÊ NHO THẦM  
                                       
Ở quê tôi, nhắc tới ông Lê Nho Thầm thì nhiều người thể hiện sự tôn trọng, nể phục. Họ  nể trọng ông không phải    ông là một người giàu có, một nhà trí thức hay một ông to bà lớn nào; mà là một con người hiền lành đức độ, vì nước vì dân  như nhiều người con của quê hương ta.

Ông Lê Nho Thầm là con của cụ Lê Nho Cúc, thường gọi là cụ giáo Cúc. Cụ giáo Cúc sinh năm Giáp Ngọ 1894. Từ nhỏ, cụ học chữ Hán và cũng tham gia thi cử theo các khóa thi thời phong kiến, nhưng chỉ đậu khóa sinh trong kỳ thi chữ Hán cuối cùng ở nước ta, năm Ất Mão 1915. Sau đó, cụ Cúc cùng với cụ Đỗ Mạnh Đan (cùng người làng Giữa) ra Hà Nội học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ; có lẽ 2 cụ đó là những người đầu tiên (sống ở quê tôi) tiếp xúc với chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm Canh Thân 1920, cụ Đỗ Mạnh Đan được bổ làm kiểm học tại Hà Nội ( tương tự như thanh tra giáo dục bây giờ), sau này mọi người thường gọi là cụ Kiểm Đan; còn cụ Lê Nho Cúc thì được bổ về dạy Tiểu học tại tỉnh lỵ Bắc Ninh.
Sinh năm  Ất Mão -1915, ông Thầm là con cả của cụ giáo Cúc và cụ bà Đỗ Thị Mùi.Thuở nhỏ, ông sống ở quê theo học chữ Hán. Lớn lên, theo cha “ lên tỉnh” học chữ quốc ngữ và tốt nghiệp trung học ( diplome ) năm Canh Ngọ 1930, lúc đó cụ giáo Cúc qua đời. Không có điều kiện học lên được nữa, ông đi làm gia sư  cho con một nhà buôn ở tỉnh Bắc.
Lớn lên, ông xây dựng gia đình với bà Lê Thị Dư người họ Lê Doãn cùng làng. Bà Dư là một người buôn bán tháo vát, đảm đang hiền đức, từ đó ông có một người bạn đời, một “ hậu phương ” để có thể thỏa chí làm trai thời ấy.

Ông Lê Nho Thầm- Bà Lê Thị Dư

Ban đầu, ông đi làm ký ga tầu lửa, rồi năm 1940 ông làm ký mỏ tại mỏ Apatits Lào Cai. Được ảnh hưởng của phong trào công nhân, nhiều lần ông đã đi biểu tình cùng phu mỏ. Chủ mỏ buộc ông phải nghỉ việc, sau đó ông đi làm công cho hãng tầu buôn quốc tế.

Trong khi đó ở quê hương, những tổ chức quần chúng của Việt Minh đã được thành lập. Trước những ngày cách mạng tháng 8 nổ ra, Nhật đã đã đảo chính Pháp; một số thanh niên đã tham gia Bảo an đoàn ( một tổ chức tập hợp thanh niên học võ, tập thể dục...) do ông Đỗ Trọng Tư, Trần Dực... làm huấn luyện viên. Sau  cách mạng tháng Tám các thanh niên này được tuyên truyền giác ngộ, là những thành viên tích cực của Việt Minh bảo vệ chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu  là các ông Đỗ Tuấn Anh, Đỗ Trọng Tứ, Nguyễn Hữu Biên, Lê Đình Lượng, Lê Nho Hiện, Lê Nho Cung, Lê Đình Thỉnh, Nguyễn Đình Gia, Lê Doãn Bội, Lê Doãn Nhung, Nguyễn Đình Tài, Nguyễn Hữu Ngọc vv ... ngoài ra còn một số chị em nữ thanh niên, có cả các cụ phụ lão.

Năm 1945, ông trở về quê sinh sống và bắt đầu hoạt động cách mạng. Sau đó gặp ông Ngô Duyện ( tức Lê Dân), người xã  Mão Điền là bạn học cũ của ông lúc đó đã là Phó Chủ tịch UB huyện. Ông Duyện lấy ông Thầm lên công tác trên huyện. Lúc đầu là Chánh Văn phòng, rồi Ủy viên Thư ký Ủy ban Kháng chiến hành chính.

Năm 1947, ông Thầm được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1952, giặc Pháp mở nhiều cuộc càn quét tại Thuận Thành và một số huyện khác. Chúng đốt phá nhiều nhà dân, tàn sát nhiều người. Nhiều nông dân không có cơm ăn, áo mặc. Thông cảm với người dân ở nơi cơ quan kháng chiến đóng làm trụ sở thời bấy giờ, ông đã cho một người  dân một bộ quần áo mới mà hậu phương ( bà Dư) mới gửi cho. Mến phục đức tính của ông, gia đình ông chủ nhà đã cho người con trai lớn của mình làm con nuôi ông Thầm. Thế là ông có thêm một người con nữa.

Lại nói đến bà Dư ở nhà, mới  chỉ có  một cậu con trai ( Lê Nho Nhẫm), bà yêu quý lắm. Bà kéo cho cậu một cái vòng và cái khóa cổ bằng vàng năm đồng cân. Chẳng may, một hôm cô bé giúp việc trông con cho bà tên là Nguyễn Thị Nô, người thôn Lam Cầu mải chơi để cho kẻ gian lấy mất chiếc vòng vàng trên cổ Nhẫm. Khi bà về tới nhà, cô bé Nô sợ hãi, mặt mày tái mét, khóc òa lên. Bà liền hỏi đầu đuôi câu chuyện. Nghe cô bé Nô kể lại, bà đã hiểu ra kẻ gian, không mắng Nô  mà còn an ủi, động viên. Bà bảo : “ Kẻ gian nó lấy của em, chứ cháu có đánh mất của em đâu mà cháu phải khóc”. Bà vuốt tóc, lau nước mắt cho cô bé, lấy quà cho ăn. Tết năm ấy, mẹ Nô lên bảo với bà :
-          Cháu nhà tôi ở với bà, nhưng mải chơi để kẻ gian đánh mất vòng vàng của cậu chủ. Bà không bắt đền thế là may cho cháu lắm rồi. Tiền công năm nay thì cháu không dám lấy của bà đâu ạ...
Bà Dư cười bảo :
-                          Đấy là kẻ trộm nó lấy chứ cháu Nô có lấy của tôi đâu. Nếu tôi không trả tiền công cho cháu thì tôi nợ tiền kiếp cháu sao?
Và bà trả tiền công cho Nô, còn cho cô bé tiền mừng tuổi. Từ đó mẹ con Nô luôn cảm phục công đức của bà Dư.

Ngày miền Bắc được giải phóng, ông Thầm được cử đi tiếp quản thành phố Hà Nội và sau đó công tác luôn ở đó. Với chức vụ Trưởng phòng tổ chức của Tổng cục Đường Sắt. Năm 1956 ông vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân, học và tốt nghiệp ra trường. Đến năm 1960 ông làm Phó Giám đốc xưởng Cơ khí Cầu đường rồi làm Giám đốc xưởng. Năm 1968 ông sang làm Phó Trưởng ty thông tin tín hiệu - Tổng cục Đường sắt và sau đó làm Quyền trưởng ty.
            Năm 1970, trong lúc đang làm việc ông nhận được tin người con trai duy nhất của ông là Lê Nho Nhẫm chuẩn bị nhập ngũ. Ông xin nghỉ một ngày để về tiễn chân con, động viên bà vợ. Ngày hôm sau ông lại đến cơ quan làm việc.
 Có lần ông kể chuyện với tôi: Giai đoạn ấy, trong một ngày làm việc, trước mắt  ông lại hiện lên mấy chữ Đảng - Tổ quốc - Gia đình, chồng sách trước mặt ông cũng bị nghiêng ngả  liên tục. Trong lúc ông đang trầm tư thì một điện báo viên bước vào :
            - Báo cáo thủ trưởng, Ga Đò Lèn bị bom Mĩ đánh !....
Thế là tự nhiên tất cả đều tan biến… Trước mắt chỉ còn nhiệm vụ: góp phần đảm bảo mạch máu giao thông để chi viện miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Ông cầm máy gọi điện thoại gọi cho hạt trưởng Hà Thanh xem sự cố đường dây ở ga Đò Lèn. Chỉ đạo khắc phục  xong sự cố , đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn cho các chuyến tầu cả dân sự và quân sự, ông mới an tâm.

            Công tác ở xa nhà, nhiều lúc ông nghĩ thương bà và hai cô con gái nhỏ ở nhà quá vất vả mà ông chẳng đỡ gì được. Năm 1973 ông nhận được Quyết định chính thức làm Trưởng ty. Ông nói với bạn bè rằng : Dù là Trưởng hay phó cũng là làm việc cả thôi, chứ khác gì nhau?

            Một buổi sáng tháng 6- 1974 ông nhận được một tin không chính thức : Con trai duy nhất của ông đã hy sinh! Mặc dù có lúc đã nghĩ điều đó có thể xảy ra nhưng tin đó cũng làm ông choáng váng. Nuốt nước mắt vào trong, ông nghĩ đến câu : “ Vọng lai chinh chiến kỉ nhân hồi” ( Từ xưa tới nay những người đi ra mặt trận có ít người trở lại ).
            Suốt mấy ngày không ăn, chỉ hút thuốc và uống café, ông vẫn đi làm việc bình thường. Ông Thóc, cán bộ cấp phó của ông nói với ông :
-                          Mấy ngày hôm nay trông anh gầy đi và hốc hác quá. Anh nên đi nghỉ điều dưỡng ít ngày. Công việc cứ để chúng tôi lo.
Ông cười bảo với mọi người: “ Đi làm việc cho Đảng mà lại béo ra thì ai chẳng đi làm việc”. Thế là hai người cùng cười vui.
           
            Việc gì phải đến tất nhiên sẽ đến, một thời gian ngắn sau giấy bảo tử con trai ông được gửi về địa phương. Thế là con trai ông đã hy sinh thật rồi. Lần này thì ông khóc - khóc thật sự. Ngày hôm sau, ông xin phép về quê động viên vợ và hai con gái . Ông tâm sự, động viên bà :
-Con mình đã hy sinh cho tổ quốc, cho muôn người được sống trong độc lập tự do thì sự hy sinh của con mình không bao giờ uổng cả.
Ông nói vậy để an ủi bà  chứ trong bụng thì thắt lại  từng khúc. Tự an ủi mình ông nghĩ : Mình còn hai đứa con gái ngoan ngoãn. sau này còn có thêm các con rể trông nom hai vợ chồng mình. Các cụ thường nói : Dâu hiền là con gái, rể hiền là con trai …
Một tuần sau ông đến cơ quan làm việc, mọi người đều đến hỏi thăm, chia buồn với ông, họ mang tất cả tình cảm của mình dành cho ông .
    
 Cuối năm 1974 ông được phân một ngôi nhà cấp 4 rộng 45 mét vuông ở Khu Nhà Dầu - phố Khâm Thiên. Vợ chồng anh  lái tầu hỏa bên cạnh nhà chật, nảy ra một ý nghĩ xin ông đổi cho . Thế rồi một tối vợ chồng người lái tàu sang nói với ông “ Vợ chồng em thấy bác vừa được phân nhà 45 mét vuông mà bác ở đây chỉ có một mình. Bác có tiêu chuẩn Giám đốc chúng em cũng chẳng dám ganh, bên nhà em 4 cháu với 2 vợ chồng em lại chỉ có 30 mét vuông, chỗ học hành của các cháu quá chật hẹp, vợ chồng em sang xin với bác đổi tạm cho chúng em. Khi nào bác có nhu cầu, chúng em lại chuyển giả bác.
 Ông vui vẻ bảo vợ chồng anh lái tàu  : “ Ta đổi giấy tờ cho chú là xong chứ làm gì phải chuyển đi chuyển lại cho phiền”
Chuyện đổi nhà của Trưởng ty Thầm mấy ngày sau truyền khắp Tổng cục, có người bảo là ông thiết gì nhà, nhưng cũng có người bảo ông là con người hào hiệp. Chỉ có vợ chồng anh lái tàu là sung sướng và biết ơn ông vô cùng, đến năm 1976 ông về hưu ngôi nhà để cho người cháu họ ở nhờ.
                                                                        = o0o=

            Lại nói đến 2 người con gái của ông , người con lớn là Lê Thị Đăng sau khi tốt nghiệp  Trung cấp sư phạm thì đi dạy học và xây dựng gia đình cùng với anh Nguyễn Đăng Tại người thôn Lam Cầu. Anh Tại hiện  là Phó Giám đốc Công ty Thông tin tín hiệu Bắc Giang.
Cô con gái thứ 2 là Lê Thị Hường tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm cũng về huyện công tác, xây dựng gia đình  với anh Lê Đình Thanh người cùng thôn. Hiện anh Lê Đình Thanh là Chủ tịch Ủy bạn nhân dân Huyện Thuận Thành. Tuổi cao, ông bà được 2 người gái và 2 người con rể hiểu thảo sớm hôm chăm sóc động viên. Khi ốm đau luôn được các con thuốc men chăm sóc tận tình , đúng như câu ông nghĩ Dâu hiền là con gái Rể hiền là con trai.

 Các cháu ngoại của ông bà, cháu nào cũng học khá, giỏi. Chúng luôn dành cho ông bà những tình cảm kính trọng, mến yêu nhất.

Bạn bè, cấp dưới của ông luôn luôn  yêu mến, tôn trọng ông. Về hưu tại quê, trong nhiều năm anh chị em cơ quan cũ tại Hà Nội vẫn dành cho ông những tình cảm sâu sắc.  Trong vòng hai chục năm, những ngày tết, ngày lễ ; khi ốm đau, anh em trong cơ quan cũ thường xuyên thăm hỏi động viên, ấm áp tình người. Tôi không được chứng kiến nhiều cơ quan mà anh em  sống tình cảm, thủy chung với nhau như thế.

Về anh em ruột của ông, các ông Lê Nho Tất, Lê Nho Linh cũng là những cán bộ sớm tham gia phong trào cách mạng từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các ông là những công nhân quân giới lứa đầu của quân đội ta.

Ông Lê Nho Tất, em ông Thầm

Đến nay ông Lê Nho Thầm - bà Lê Thị Dư đã qua đời. Các con, các cháu  nội ngoại luôn hương khói khi ngày giỗ, ngày tết . Ông bà đã gieo quả phúc thì mãi mãi cháu con được hưởng quả phúc. Chúng luôn nhắc nhở nhau cố gắng học hành, học tập tấm gương đạo đức của ông bà và các bậc tiền nhân để ở bên kia thế giới ông bà luôn vui lòng …

Nói thêm một chút về chị Lê Thị Đăng và anh Nguyễn Đăng Tại. Nhận nhiệm vụ thay anh Lê Nho Nhẫm trực tiếp ở và chăm sóc ông bà vì anh Nhẫm đã hy sinh, các anh chị Tại, Đăng đã cùng các em Thanh, Hường và các cháu luôn chăm sóc, động viên an ủi  ông bà khi tuổi cao sức yếu. Nhận thức và cũng là để giáo dục cháu con về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người với gia đình và xã hội, tại cổng nhà, anh Tại tự tay viết đôi câu đối nói về cái cổng, nơi phân giới giữa xã hội và gia đình :

                      Nhất phiến ám vân, phụ tử tôn tằng xuất quá tuân pháp luật
                     Song long giới địa, công hầu tao mặc nhập nội thị gia phong

Tạm dịch  nghĩa :  ( Trên có nóc che trời, cha con cháu chắt ra ngoài nhất nhất phải tuân theo Pháp luật của Nhà nước -  Hai cột ngăn cách giữa trong nhà - ngoài đường, bất kỳ ai dù là công hầu khanh tướng  khi vào tới nhà cũng phải tuân theo  nền nếp của gia đình...)


Một vế câu đối ở cổng nhà ông Thầm hiện nay


Vế đối còn lại

Bàn thờ tại nhà ông Thầm; Bên trên (trái)  là ành cụ Đỗ Thị Mùi
bên dưới là ảnh Liệt sĩ Lê Nho Nhẫm

Câu chuyện trên chủ yếu tôi kể cho các cháu nhà tôi nghe về một con người, chỉ có phần thiếu chứ không có phần thêm cho có vẻ ly kỳ.


Anh Tại- chị Đăng cùng các con, cháu 

           Ông Lê Nho Thầm là  một con người như thế.
                                                                                
                                                                                                Đại Mão, tháng 5 năm 2013

                                                                                                         LÊ NHO LÃNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét