Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO - TRUNG THÔN ( KỲ I - LÊ NHO LÃNG)


ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 1 )

 Lê Nho Lãng
 
Lời người biên tập : Chuyên mục   ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN đã ra đời, được đánh số từng kỳ, là chuyên mục giới thiệu về những địa danh, những phong tục tập quán… và những con người cụ thể của quê hương làng Giữa, mong truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết thêm về quê hương của mình, tự hào về mảnh đất và con người của quê mình.
     Mong sao niềm tự hào ấy là niềm tự hào chính đáng, và như câu xưa các cụ thường nói “ Con hơn cha là nhà có phúc”; tuổi trẻ càng phải phấn đấu để quê hương, gia đình mình ngày càng tốt hơn, đẹp hơn…

             Để chuyên mục phong phú và hấp dẫn , có tác dụng giáo dục cao, chúng tôi đề nghị quý độc giả tham gia gửi bài viết, hình ảnh về cho Ban biên tập.  Như một tác giả trong làng đã có câu thơ “ Trung Thôn kim cổ nhân khiêm nhượng” ( Người Đại Mão - Trung Thôn từ xưa tới nay luôn khiêm tốn), bài viết cần chân thực, chính xác; không tô hồng, động viên quá sự thực.
              Chúng tôi rất mong nhận được bài viết của các cụ cao niên nói về Làng Giữa ngày xưa, vì con cháu ngày nay đâu có biết ngày xưa và tư liệu khó tìm. Cũng mong nhận được những bài viết về đất và người Đại Mão ngày nay của tất cả mọi người, nhất là các thầy cô giáo trong làng dạy học ở các loại hình trường học gần xa, vì các thầy cô có điều kiện tiếp cận với giới trẻ và các nguồn thông tin thuận lợi hơn...

              Các bạn có thể gửi bài qua ông Lê Đình Ngạn , Địa chỉ : nganhttt@gmail.com

                                                                 --------------------------------------    
          
           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 1  xin  trân trọng giới thiệu bài viết của cụ Lê Nho Lãng ( 81 tuổi, ở xóm 2 Đại Mão) ghi lại những kỷ niệm về một số địa danh trước đây của làng ; giới thiệu qua một số người con tiêu biểu quê nhà để các em, các cháu ít tuổi được biết.
              Biết để học tập, phát huy truyền thống người xưa; để  nhà mình, quê mình ngày càng đổi mới tươi đẹp hơn.
            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả.

                                                             %%%%%%%%%%%%%%%


   TIẾP NỐI NGƯỜI XƯA  
                                       
   Đại Mão là một làng cổ xưa, có tên nôm  là làng Giữa, còn gọi là Trung Thôn. Tên của địa danh này có từ bao giờ, không ai khẳng định được.
   Khi về công tác tại Thuận Thành nghiên cứu về di tích Luy Lâu, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, có nói về làng Giữa : “ Ở Luy Lâu có làng Đại Mão, từ xưa là đại doanh của vương triều Hai Bà  Trưng”.
Đường từ đê Đuống vào làng Đại Mão

  Ở Đại Mão hiện vẫn còn nhiều di tích, địa danh còn lại, như ở khu Đống Sến ( giờ đã san bằng) có các lăng mộ đời Hán; có khu đất gọi là Đường Cầu (tương truyền khi quân của hai Bà xuất quân thường làm lễ cầu thắng giặc). Những địa danh người già còn nhớ như Tiền Dinh, Hậu Dinh,Quán Dịch ( nơi nghỉ của các sứ thần vào yết kiến vua), Quán Kê ( nơi các quan xem thiên văn bói quẻ xem điềm lành dữ), Quán Tháp ( nơi xuất trình giấy tờ và lưu trữ hồ sơ). Có gò đua ngựa ( Đấu Mã ) có chốn bình văn; có bãi vật, bàn cờ và nhiều dấu tích tiền nhân để lại.
    Trên cơ sở khoa học, nhờ vào các di tích, văn bia và thư tịch cổ, chúng ta có thể tin rằng Đại Mão là một làng cổ có từ lâu; ít nhất từ thời nhà Trần, chưa dám nói lâu hơn. Lúc đó, làng đã có một người họ Trịnh – cụ Trịnh Đức Mại- ra làm quan và làm đến chức Đại Tư đồ Trấn Quốc công. Địa danh Đại Mão đã gắn với danh nhân ấy trên các thư tịch cổ.

 Từ lúc ban đầu có tên Làng Giữa, rồi Đại Mão, Đại Mão Trung, Trung Thôn, sau đó, sử sách và các văn bia từ thời nhà Lê về sau này  đều có ghi địa danh Đại Mão cùng với những con người cụ thể như Nguyễn Đình Khuê,Trịnh Đức Vận,Lê Doãn Giản,Lê Doãn Thân , Lê Quýnh…
                                                                ***

Thế đất của làng, theo phong thủy, từ  xa xưa đã được các cụ cho là một vùng đất đẹp. Có Long triều ( Rồng chầu), Mã bái ( Ngựa bái); có đường Bút, đường Bảng, đường Cầu; có gò Trống, giải Cờ; có Văn Chỉ ( Văn Miếu cấp tổng )  nêu tên các bậc khoa bảng của quê hương; có Trường, có Chợ; đường trước sông sau, cửi canh rộng mở. Nhân tài  hội tụ ở đây như hoa Chi, hoa Lan.
Được người dân  các vùng  xung quanh vinh danh, gọi là đất Văn Hiến từ lâu , Đại Mão có nhiều  nếp  thuần phong, mỹ tục. Từ xưa đã có một ngôi Đình vào loại to đẹp nhất vùng. Chùa làng có tên là Sùng Ân tự, cũng là một ngôi chùa cổ. Ngày nay Đình, Chùa được tôn tạo, tu bổ là những công trình kiến trúc gắn bó với người dân từ xưa đến nay.


                                                          ***
Đình Đại Mão xưa là một ngôi đình to đẹp, bề thế được đặt ở một nơi có Rồng chầu, Ngựa bái ngay trước giữa làng. Đình làng là nơi thờ Lạc Thị Đệ Nhị Đại Vương ( cùng với thôn Thụy Mão xã Mão Điền ngày nay thờ Lạc Thị Đệ Nhất Đại Vương; thôn Đông Miếu thờ Lạc Thị Đệ Tam Đại Vương ) là những vị thiên thần gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân mở nước.
Một góc Đình Làng


Đình Làng có các bức hoành phi LONG ĐỨC CHÍNH TRUNG, LẠC LONG VIỆT TỔ và nhiều đôi câu đối, đáng kể đến là các câu:

Thiên đản thánh thần khai bách việt
Địa xưng văn hiến  ngưỡng tam linh
            Tạm dịch :               Trời nảy thánh thần mở dòng Bách Việt
                                             Đất gọi văn hiến, ơn đức tam linh

Tráng tai đế vương cư, hữu kỳ, hữu cổ, hữu mã bái long triều, diệc thiên địa hảo để phong thủy
 Uất nhiên anh tuấn vực, vi cơ, vi quan, vi lương đống thạch trụ, tự hương đảng lập hồ triều đình
            Tạm dịch :    Mạnh đẹp thay chỗ ở đấng đế vương, án có cờ, có trống, có ngựa bái rồng chầu, thực trời đất tạo thành phong thủy
                                 Yên vui vậy,quê hương bậc anh tuấn; người làm thợ, người làm quan, làm xà cao cột vững, từ làng xóm lập nên triều đình.

                                                             ****


Đại Mão trung linh dục tú nhân xuất đa hiền

    A-Thời  phong kiến  đến đầu thế kỷ XX

Khoảng năm 1941,1942 tôi không nhớ chắc lắm, lúc đó tôi khoảng 9,10 tuổi biết đi chăn trâu bò, đã được biết: Quan tổng đốc tỉnh Bắc Ninh Phan Kế Toại ( sau này là Phó Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) khi đi thị sát huyện Thuận Thành, có về quê hương Đại Mão. Nhận xét về miền quê này, Cụ nói: “ Đại Mão trung linh dục tú nhân xuất đa hiền” nghĩa là “ Khí thiêng tụ ở nơi đây nên làng Đại mão sinh ra nhiều bậc khoa bảng nổi danh qua các thời đại”.

 Ngẫm lại, đúng như cụ Phan nói, Đại Mão là quê hương của nhiều bậc anh tài, chúng ta hãy kể qua một số các cụ, từ những thời Trần, Lê, Mạc, Nguyễn…


Trên đường vào Làng - Chợ Giữa 


+Cụ Trịnh Đức Mại là một trong các cụ tổ của họ Trịnh ở Đại Mão hiện nay. Nhà thờ họ Trịnh còn giữ được gia phả cho biết, cụ  làm quan triều Trần đến chức “Đại Tư Đồ Trấn Quốc Công”. Sinh thời cụ là người văn võ toàn tài. Vào cuối thời Trần, gian thần lộng hành, thù trong giặc ngoài, thế nước lâm nguy. Cụ đã giúp Vua trấn ngoại trừ gian, giữ yên xã tắc. Được vua yêu mến gả công chúa cho, khi qua đời vua cho làm quốc tang như các bậc vương giả.
       Triều đình về viếng, văn tế có đoạn:

  “Tướng quân thiết thạch anh tư,
 Can thành lệnh khí.
 Hậu liên bôn tẩu,
 Tố giản dư tri,
 Nguy kiệm trì khu,        
 Bất cô quốc khánh.
Sương thiên khái tử
Trẫm thập liên kỳ
Định vị thù
     Đại thụ chi doanh hỗ.
Nhi thiên nhất lão
Tích ghi cự đáo
Chương thành chi ảnh

Ô hô! Sương thiên ba hàn
Thần kiếm khứ hy
Vi quán đẩu chi
Quang huy, giang sơn thiên viễn mộ
Vân phi chu trướng
Văn chung chi cảm

   Lược dịch: Nhớ Tướng quân/ cứng cỏi tài ba/ vững vàng oai dũng/ sau trước xông pha/ giản dị biết nhiều/vượt bao gian khó chẳng phụ lòng vua.
Tiếc thay một cây đại thụ/ một bức tường thành/ tuổi 70 chưa được chúc mừng đã nghiêng ngửa/ trời sao gây nỗi?
Than ôi! Chiều tà sóng lặng thần kiếm đi vào cõi hiển vi ánh đẩu/ soi núi cao trời thẳm,mây bay buồn bã/ nghe tiếng chiêng thương cảm tiễn người đi.
                      ( Tham khảo : Gia phả họ Trịnh và bản dịch của cụ Trần Dực năm 1993)

+ Cụ Nguyễn Đình Khuê, (cụ là con rể Trạng nguyên Nguyễn Lượng Thái), sinh năm 1533, năm 36 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Sùng Khang 3 (1568) đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Hiến sát sứ. Nhà thờ họ Nguyễn Đình bảo lưu đôi câu đối:
                  “Tam giáp khoa danh tiên hữu khải,
                    ức niên hương hỏa hậu kỳ xương”,
Tạm dịch nghĩa: Khai khoa Tiến sĩ ở làng cụ là người đầu tiên/Nghìn năm hương hỏa cháu con ngày càng thịnh vượng.

+ Cụ Trịnh Đức Vận sinh năm 1646, năm 38 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

+ Cụ Lê Doãn Chất , là cụ tổ 4 đời của tiến sĩ Lê Doãn Giản, Lê doãn Thân làm quan đến chức Đông các đại học sĩ. làm quan thời Hậu Lê, giữ chức nghi điển ( chuyên coi về việc thi cử,soạn đề và làm chánh chủ khảo các kỳ thi hương; giám khảo các kỳ thi hội. Học trò của cụ có đến hơn 50 cử nhân, trong đó có nhiều người thành đạt .

+ Cụ  Lê Nho Khoa   hương nguyên sĩ vọng ( 2 lần thủ khoa) làm quan đến chức Đại phu lễ bộ tả thị lang ( Bộ trưởng bộ Lễ,  tương đương Bộ giáo dục hiện nay )
Cụ là người thông minh trí dũng toàn tài; tính tình khoan dung độ lượng.Cụ đỗ hai lần thủ khoa vào thời Hậu Lê. Khi nhà Lê mới đánh  tan nhà Mạc, ở vùng Phú Thọ bấy giờ giặc giã nổi lên nhiều vô kể, chúng thi nhau cướp bóc, ức hiếp dân lành, các quan cai trị tại địa phương cũng phải bỏ chạy. Triều đình cử cụ Lê Nho Khoa về trấn ải ở vùng Đà Giang, Lâm Thao. Cụ đã dùng mưu bắt sống tướng giặc Nông Quận, giải về Triều.
Vua Lê vui mừng khen ngợi cụ, ban cho mũ áo, lụa tiền và 6 chữ “ Văn thần trung, vũ thần tại”. Nhân dân trong vùng coi cụ như một vị cứu tinh.

 + Cụ Lê nho Thạc ( Hiến Hồ ) làm quan đến chức Hiến phó sát sứ Sơn Nam ( như quan đốc học tỉnh Nam Hà).
         Cụ là một trong những thầy giáo của quan Bảng nhỡn Lê Quý Đôn nổi tiếng. Nhà bác học này có câu đối ở nhà thầy mình:

                        Thùy thế giáo vô cùng thu dương giang hán
            Tại nhân tâm bất dẫn Bắc Đẩu Thái Sơn

( Sự giáo dục  như nước ở sông Thu Dương, giang hán không bao giờ ngừng chẩy;
Người học trò coi thầy như là sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn không bao giờ khuất)

  Hiện câu đối trên treo ở nhà thờ nơi cụ Lê Nho Thóc ở.Cụ cũng là thầy dạy của 2 tiến sĩ lê Doãn Giản, Lê Doãn Thân.

+ Cụ  Lê Doãn Giản  sinh năm 1715, năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 4 (1743) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công, Hành sơn nam, Thừa chính sứ.

+ Cụ  Lê Doãn Thân  sinh năm 1720, năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ, Tứ xuyên bá.

   (Các Tiến sĩ trên, còn con cháu hậu duệ, nhà thờ họ, bia đá, gia phả ghi chép về các cụ).


+ Cụ  Lê Quýnh ( 1750-1805): Cụ là quan nhà Lê Trung hưng, còn có tên là Lê Doãn Hữu, con trai của tiến sĩ Lê Doãn Giản. Năm 21 tuổi, cụ Lê Quýnh được bổ làm nho sinh ở Chiêu Văn quán. Lúc trẻ là một công tử mải chơi nhưng biết làm văn. Năm 1774, lúc 25 tuổi, cha mất,  về làng nuôi mẹ.
 Ngày xưa, với quan điểm trung với vua là trung với nước, tôi trung không thờ hai chúa, cụ Phò vua Lê chống quân Tây Sơn.
       Khi phò vua Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc, Phúc Khang An ( Tổng Đốc Lưỡng Quảng - thay Tôn Sĩ Nghị ) sai người gọi các cụ Lê Quýnh, Lê Doãn Trị, Trịnh Hiến và Lý Gia Du vài mươi người đến Quảng Tây dụ bảo cắt tóc và thay đổi đồ mặc như người Trung Hoa thời nhà Thanh lúc bấy giờ. Cụ Lê Quýnh đáp lại rằng:
Được ơn vời đến đây, chúng tôi chưa được nghe ngài dạy bảo rõ ràng gì cả, thế mà nay chỉ bắt chúng tôi gióc tóc thì há phải là ý muốn ban đầu của bọn Quýnh này chạy vạy hàng hai, ba ngàn dặm sang đây để nhận lãnh lệnh truyền ấy đâu? Đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc chúng tôi không thể gióc được".
Phúc Khang An tức giận, cho đưa luôn cả nhóm Lê Quýnh lên Yên Kinh đến Sơn Đông thì vừa gặp vua Thanh Càn Long đi tuần du ở phía đông. Vua Thanh triệu Lê Quýnh cùng đồng liêu vào yết kiến nói:
Chúa nhà các ngươi đã tình nguyện yên phận ở lại Trung Quốc rồi, các ngươi đã một niềm theo vua thì khá lập tức gióc tóc và thay đổi lối ăn mặc để đợi lựa chọn bổ dùng.
Lê Quýnh từ tạ mà rằng:
Muôn dặm đi tòng vong, chúng tôi xin được giữ theo quốc tục để vào yết kiến quốc vương một chút đã, rồi sau sẽ xin vâng theo chỉ dụ gióc tóc cũng chưa muộn.
Vua Thanh khen nói:           Thật là trung thần của họ Lê.
Tuy vậy, Càn Long vẫn cho đưa Lê Quýnh và các đồng liêu vào Yên Kinh. Về sau, vì không chịu gióc tóc, Lê Quýnh bị khép vào tội chống mệnh lệnh vua Thanh, bị giam ở ngục Bắc Sở thuộc tu Thận Hình.
 Có tài liệu nói : Sau khi nhà thanh vẫn bị Nguyễn Huệ đánh cho đại bại về nước, để giữ tình bang giao giữa 2 nước, Quang Trung vẫn phải sai người sang đề nghị nhà Thanh phong vương….  Cuối cùng, Khang An cũng nói trắng với bọn Quýnh là thiên triều đã phong vương cho Quang Trung rồi, nay chẳng những nhà Thanh không kéo quân sang giúp nhà Lê mà bọn Quýnh cũng không thể nào về nước được nữa. Tốt nhất là ở lại Trung Quốc, An sẽ xin vua vua Thanh bổ dụng.
Nhưng Quýnh chối từ: Lưu lại nội địa, không phải sở nguyện của chúng tôi. Vì lưu lại đây, thì bỏ việc nước không hỏi đến, ấy là bất trung. Bỏ cha mẹ không đoái đến, ấy là bất hiếu. Phụ những kẻ đồng tâm chết với nước, ấy là bất nghĩa. Lỡ lòng mong cứu khỏi đầm, chữa khỏi cháy, ấy là bất nhân. Vì nước mà đổi thành bán nước, ấy là bất trị. Liều mình mà trái lại giấu mình, ấy là bất dũng, mang đủ sáu điều đó, sao xứng được làm người? Trung Hoa tuy rộng, cũng không đất dung những đồ chó lợn ấy”. (BHTK- Bắc hành tùng ký- tức nhật ký tháp tùng Lê Chiêu thống sang Trung Quốc của cụ Lê Quýnh).
Quýnh bị đày đi Quảng Đông (có sách nói là Sơn Đông). Tháng 3-1790, nhân xa giá vua Thanh đi Đông tuần, Quýnh được gặp Càn Long. Càn Long bảo: “Chúng bay không vì sự thịnh suy mà tiến thoái, khá khen lòng thành giữ trung nghĩa. Trẫm không nỡ khép tội”. Nhưng lại vẫn ép: “Chủ các ngươi đã xin yên ổn ở lại Trung Quốc, lũ các ngươi giốc lòng cùng theo, thì nên lập tức gọt đầu gióc tóc, đổi đồ mặc để chờ mệnh lệnh” (BHTK).
Nhà Thanh đưa Quýnh lên Yên Kinh. Tại đây chúng vẫn tiếp tục ép Quýnh gọt đầu gióc tóc. Quýnh vẫn chống lại. Quýnh thuyết phục bọn quan lại nhà Thanh rằng chữ trung mình đã không giữ được thì xin cho về phụng dưỡng mẹ già để vẹn chữ hiếu. Bọn chúng bảo: “Chúa các anh ở đây, mà các anh không theo, thế thì trung được sao?”. Và bố trí cho vua tôi gặp nhau.
Tại cuộc gặp, các quan nhà Thanh cố lấy lời khéo dỗ vua Lê bảo bọn Quýnh cắt tóc. Bọn Quýnh khóc, lạy mà nói rằng: “Bọn Quýnh sống làm tôi nhà Lê, chết làm ma nhà Lê. Ngoài ra thì không phải sở nguyện” (BHTK).
Các quan nhà Thanh mắng: “Mệnh chúa anh, anh cũng không theo. Ấy há là đạo của kẻ làm tôi sao?” (BHTK). Quýnh trả lời: “Bổn phận kẻ làm tôi thờ vua vốn phải theo mệnh, nhưng cũng phải theo lẽ buộc đừng theo. Nếu có thể nhờ vậy mà không phục mệnh vua, thì ấy cũng là theo mệnh vua đó. Nay, cái mệnh bảo cắt tóc, ở miệng thì là mệnh, nhưng trong tâm thì không phải là mệnh. Bọn Quýnh nguyện theo cái mệnh trong tâm của chúa mình, kẻo chúa cũng bất đắc dĩ mới phải làm cái sự (các ngài) yêu cầu đó mà thôi” (BHTK).
Bọn quan nhà Thanh tiếp tục giam lỏng Quýnh. Cuối năm đó lại dụ Quýnh: “Cạo đầu thì vua tôi cha con sẽ đoàn tụ vui vẻ cùng nhau. Sao mà cứ một mực ngây ngốc, không chịu theo gần nhân tình đến thế?”. Quan bộ đường đề thẩm, chức thượng thư là Hồ Quý Đường, bảo rằng: “Các anh nếu không cạo tóc thì sẽ chết già trong ngục, chôn thây theo sở nhà tù. Cắn rốn (hối hận) sao kịp?” (BHTK).
Quýnh và ba người nữa tiếp tục bị giam. Đầu năm 1799, Quýnh lại làm tờ tâu:
“Chúa cũ là tôi con thiên triều. Quýnh là dân của chúa cũ, thì không những nghĩa và lý đáng phải tránh làm dân Nguyễn Huệ, mà tấc lòng tôi cũng không thẹn. Cúi xin trời che, đất chở, khí xuân nuôi, lòng bể chứa, bằng lòng cho bọn Quýnh về làm tên dân ở biên giới Lưỡng Quảng, được qua lại (đường ranh) buôn bán gần chỗ an trí. May chi được thăm viếng mẹ già và nuôi nấng, thì không còn điều gì oán tiếc. Nếu sức có thể đem gia quyến tới ở nội địa, thì cũng xin được tuỳ tiện mà làm…” Quan tả thị lang họ Hùng bảo: “Phải xin cắt tóc và xin cho ở cạnh doanh An Nam. Nếu không như thế, thì sẽ bị đưa an trí ở Nhiệt Hà. Các anh xin điều nào?”.
Bọn Quýnh lại trả lời như trước rằng:
“Xin thả ra để đem thân xác về. Được thế thì nguyện cắt tóc để tạ ơn trời. Nếu không được thế, thì xin giữ tóc để hợp lẽ trời” (BHTK).
Tháng 5 năm 1792, con nhỏ của Lê Chiêu Thống qua đời, đến ngày 16 tháng 10 năm 1793 vua Lê Chiêu Thống buồn rầu mà chết. Tới tháng 11 năm 1799 thì thái hậu mẹ Lê Chiêu Thống cũng chết. Cùng năm ấy (1799), vua Thanh Gia Khánh sai thả Lê Quýnh và các đồng liêu ra khỏi ngục, từ đầu tóc đến ăn mặc đều được để cho tùy tiện.
Ngày 16 tháng 9 âm lịch năm Ất Sửu (1805) ông mất, hưởng dương 55 tuổi. Tác phẩm của ông còn lưu lại là các tập "Bắc hành tung kí", "Bắc hành lược biên" và "Bắc sở tự tình phú", có giá trị sử học và văn học.

Đến mùa hè năm Tự Đức  thứ 14 (1860), các quan ở Bộ theo lời bàn kê rõ lý lịch các vị cựu thần nhà Hậu Lê, vâng chỉ dụ của nhà vua cho lập đền thờ ở phía tây thành Thăng Long, tại phường Thuỵ Chương, huyện Vĩnh Thuận (nay là ngõ 124, đường Thụy Khê, Hà Nội.Thứ tự các bài vị đều sắp đặt theo như lời bàn của Bộ. Chính giữa là linh vị của Trường Phái hầu Lê Quýnh, đặt thuỵ hiệu là "Trung Nghị”.

 ( Đoạn nói về cụ Lê Quýnh chủ yếu theo tài liêu của  BKTT mở Wikipedia – đề nghị xem thêm bài 200 năm biến thiên của một dòng họ nổi tiếng đăng trên trang Thư viện này )

 

+ Cụ  Đỗ Trọng Vỹ  sinh năm Kỷ Sửu (1829), đỗ cử nhân khoa Giáp Tý, đời vua Tự Đức 17 (1864 –đồng môn với quan Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và ông nghè Dương Khuê), làm quan đến chức án Sát sứ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng. Khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, cụ cáo bệnh về ở ẩn, nhưng được mời ra giữ chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh, chính cụ là người đề cao nền văn hiến xứ Kinh Bắc và truyền thống hiếu học khoa bảng của nước nhà. Ông là người cho di dời Văn Miếu tỉnh Bắc Ninh từ núi Thị Cầu về núi Phúc Đức năm 1893 và hưng công xây dựng lại Văn Miếu hàng tỉnh này. Cụ cũng là người cho dựng 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương” ghi danh gần 700 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc. (Theo Gia phả họ Đỗ, cụ là người chủ trương xây Văn Chỉ ở tổng Thượng Mão và một số công trình khác ở Thuận Thành).

 Hiện ở Thành phố Bắc Ninh có một con đường mang tên cụ ( lối từ đường Lý Thái tổ vào trường Chuyên Bắc Ninh)
                                                          

  B- Thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám, có các cụ  sau đây có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc


+ Cụ  Đỗ Thúc Phách   sinh 1895-mất 1957, đỗ Cử nhân khoa Ất Mão 1915. “Là một nhà giáo dạy ở Trường Pháp Việt ở Nam Định, Phủ Lạng Thương, sau xin từ chức về kinh doanh thực nghiệp và lập đồn điền. vào bậc Đại phú ở Bắc Việt, theo kháng chiến ở Việt Bắc” ( Trích Gia phả họ Đỗ ).
Cụ là người xây nhà thờ cụ cử Đại ( con trai của cụ Đỗ Trọng Vỹ ) ở Đại Mão. Sau này khi cải cách ruộng đất ngôi nhà bị tịch thu, rồi đêm ra chợ Giữa làm nhà kho của Hợp tác xã và hiện nay được dỡ về làm nhà tiền tế ở Đình Làng.
Ở Bắc Giang, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nhiều đảng phái phản động tranh chấp quyết liệt với Việt  Minh ( Quốc dân đảng, Đại Việt, Việt  Nam Quang Phục hội…) , tất cả đều tìm đến những nhà giàu có để khai thác, lôi kéo,dọa dẫm; nhưng cụ chỉ tin vào Bác Hồ, tin vào Việt Minh. Đi theo Bác Hồ từ năm 1947, cụ hiến toàn bộ ruộng đất cho cách mạng ( cỡ 1000 héc ta- 2700 mẫu bắc bộ ) ở đồn điền thuộc Hiệp Hòa – Bắc Giang. Cụ được cách mạng giao làm Hội trưởng hội Việt Hoa thân thiện, nhà cụ là nơi thường trú của các cơ quan đầu não của tỉnh, thường xuyên có 1 tiểu đoàn vệ quốc của tỉnh Bắc Giang đóng chốt. Khi mặt trận Liên Việt (….)  ra đời, cụ là ủy viên trung ương.
Tháng 3 năm 1948 , Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cụ và các con của cụ. Trong thư có đoạn :” Cụ và các cháu thật xứng đáng Toàn gia kháng chiến- Phụ tử giới binh”.
        Một câu chuyện nói về 1 số sai lầm trong cải cách ruộng đất có liên quan đến cụ : Lúc giảm tô CCRĐ, cụ về thăm nhà, đội giảm tô mang cụ ra đấu. Nông dân nhiều người không đồng tình. Đêm hôm sau ông Trần Trung bí thư tỉnh ủy Bắc Giang lập tức về ngay:

-             Cụ hết sức thông cảm, đây là một hành động tự phát chứ không hề có sự chỉ đạo của Đảng. Cụ là nhân sĩ yêu nước, vì phong trào “ mới lên” nên chúng tôi cũng không thể kỷ luật “ cái Đội” này được . Ngày mai xin cụ trở về Trung ương tiếp tục công việc cho.
                                                                       ( Theo Đỗ gia thế phả - Đỗ Thiếu Khang )
.
+ Cụ  Lê Nho Thành   tức Lê Nho Bổng  nguyên là  một lính khố đỏ ( lính chính quy – thời  Pháp bắt đi, như là nghĩa vụ quân sự, khác với lính khố xanh- địa phương quân). Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ được giác ngộ cáh mạng và tham gia Khởi nghĩa Bắc Sơn ( tháng 9 năm 1940) . Hy sinh năm 1944 tại Bắc Sơn. Trong cuốn "Đại Mão làng quê văn hiến", phần ghi về Danh sách các liệt sĩ của quê hương, tên ông được xếp đầu tiên.

+ Cụ  Lê Minh Nghĩa  tức Đỗ Nguyên Thành. Cụ tham gia phong trào học sinh yêu nước ở trường Bưởi. Năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở Bắc Ninh. Được cử làm ủy viên quân sự, chính trị viên tỉnh đội; Phó đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh trong Ban liên lạc thi hành Hiệp định Đình chiến Giơnevơ ( Hội nghị Trung Giã 1954), Đại tá -Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ. Cụ được thưởng Huân chương Độc Lập hạng nhất, an táng tại Nghĩa trang mai Dịch Hà Nội.

+ Cụ Nguyễn Hữu Chấn :  Ngay sau cách mạng Tháng Tám, cụ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Lâm thời thôn> Trong Kháng chiến,cụ được cách mạng cử làm Trưởng tề để đấu tranh hợp pháp với địch, ủng hộ kháng chiến. Cụ là bố đẻ của 2 liệt sĩ là Nguyễn Hữu Tẩm và Nguyễn Hữu Hựu. ( Ở Đại Mão còn có gia đình cụ Trịnh Đức Khu có 2 con là Liệt sĩ Chống Mỹ là Nguyễn Hữu Trọng và Nguyễn Hữu Đỗ )

+ Cụ Đỗ Trọng Tứ : một trong những thanh niên yêu nước tham gia các phong trào của Việt minh trước CM tháng 8 cùng các cụ Nguyễn Hữu Biên,Lê Nho Hiện,Nguyễn Đình Địch, Nguyễn Hữu Nhạn, Nguyễn Đình Gia, lê Doãn Nhung, Lê Doãn Bội, Lê Đình Thỉnh, Đỗ Tuấn Anh, Nguyễn Đình Tài, Nguyễn Hữu Tài,Nguyễn Hữu Nhạn…Nguyễn Thị Thanh,Đỗ Kim Thiện,Đỗ Thị Kiệm…
Là đảng viên đầu tiên của xã, ở Chi bộ ghép 3 xã ( Hoài Đức, Thượng mão và Mão Điền) thành lập năm 1947; trực tiếp phụ trách xã Thượng Mão . Năm 1948 cụ bị bọn giặc ở bốt Hồ và bọn gián điệp chỉ điểm bắt ngay tại nhà. Bọn giặc tra tấn dã man cả  cụ ông, cụ bà nhưng các cụ đều không khai báo gì về việc làm của mình và tình hình cơ sở. Cuối cùng bọn giặc bắt cụ đi tù ở bốt Hồ, Kẻ Sặt, Hà Nội… vẫn không khai thác được gì ở cụ. Do bị tra tấn nhiều, đói khát, bệnh tật… sức khỏe rất yếu địch thả cụ về, cụ lại tiếp tục hoạt động kháng chiến chống Pháp cho đến tháng 10 năm 1954 cụ mất. Sau 50 năm, tháng 5 năm 2014, cụ được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt Sĩ.

+ Cụ Nguyễn Hữu Biên : tham gia phong trào cùng các cụ nói trên. Được kết nạp vào Đảng trong những năm gay go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi làm Bí thư, Chủ tịch xã, sau đó được điều động lên chiến khu. Sau hòa bình, cụ về công tác tại Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Lâm Thổ sản NAPOLIMEX ( Bí thư Đảng bộ ) - Bộ Ngoại Thương. Cụ là bố BS Nguyễn Hữu Phê ( Tuấn Anh ) - Khoa Hồi sức Bệnh viện Quân Đội 108- Hà Nội. Cụ mất năm 1971.

+ Cụ Nguyễn Đình Gia :  tham gia phong trào cùng các cụ nói trên. Trong quá trình hoạt động, cụ bị bắt và đầy đi tận Miền Nam. Sau này công tác tại huyện Thuận Thành ; làm Phó Phòng Lương Thực huyện.( đã mất )

+ Cụ  Đỗ Mạnh Khang tức trần Vũ, trưởng thành trong phong trào sinh viên, Chỉ huy trưởng quân sự huyện Gia Bình, hy sinh năm 1950. ( Xem thêm về thơ của tác giả Trần Dực –số 13 trên trang Thư viện này)

+ Cụ  Đỗ Tuấn Anh tức Trần Dực sinh năm Đinh Mão 1928. Lúc nhỏ, ông được học ở trường Bưởi, đỗ Trung học rồi Trung học Chuyên Khoa. Tháng 12-1944 tham gia Đoàn học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tại trường, đi bộ đội tháng 2 năm 1947, vào Đảng CS tháng 8 năm 1947.
            Cụ từng giữ các chức vụ : Chính trị viên Trung đội 3, Đại đội Nghĩa quân (1947); Phó ban Chính trị Tỉnh đội BN ( 1948-1949); Phó ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên Khu Việt Bắc (1950); Trưởng ban Tuyên huấn Quân Khu Đông bắc (1955);  Chính ủy Trường Quân chính Quân Khu Đông bắc (1956-1957);  Tư lệnh Pháo Binh Quân Khu Đông Bắc ( 1964-1967); Tham mưu trưởng Pháo Binh mặt trận Tây Nguyên ( 1971-1972) và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam.
            Cụ Trần Dực từng được đào tạo ở nước ngoài ( Tốt nghiệp Pháo Binh cao cấp Thẩm Dương TQ 1959- Học viện hải Quân Lêningrat ( Liên xô 1979 ) ; sử dụng được các ngoại ngữ Pháp, Trung Văn, viết tiếng Nga và khá thông chữ Hán. Là người dịch Bắc Ninh  Địa Dư chí của cụ Đỗ Trọng Vĩ, Âm chất diễn nôm của cụ Đỗ Dư… ông có nhiều công sức về việc biên dịch gia phả của dòng họ Đỗ Đại Mão, hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ( An Bình ).
+ Cụ  Lê Đình Thỉnh  sinh năm 1932, vào bộ đội chính quy vào loại sớm trong làng, đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở binh chủng phòng không, ông tham gia chỉ huy cùng đơn vị đánh máy bay Mỹ trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Về hưu với quân hàm Trung tá, cụ có ý thức tốt tham gia xây dựng địa phương.

+ Cụ  Đỗ Ngọc Châu  Con trưởng của cụ Đỗ Thúc Phách, nhân sĩ yêu nước nói trên.Sinh năm 1918, đỗ Tú Tài văn chương phần II từ trước CM tháng 8, thời kháng chiến 9 năm đã làm Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền Khu Việt Bắc, biên tập viên Tạp chí Học Tập ( Tạp chí Cộng Sản sau này). Hòa bình lập lại, cụ về học tại Trường Nguyễn Ái Quốc rồi làm chủ nhiệm khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi về hưu, cụ vẫn là một báo cáo viên có uy tín về những vấn đề quốc tế của Ban Khoa Giáo Trung ương.

+ Cụ  Lê Đình Kỉnh  Tham gia hoạt động từ thời KC chống Pháp, ủy viên thư ký UBHC xã, sau đó đi công tác tại Công ty Vật Tư . Cụ đã từng được thưởng Huy hiệu Hồ Chủ tịch, và được tặng Huân, huy chương Kháng chiến.
Cụ Kỉnh và cụ Tính là hai anh em ruột; là con cụ Vũ Thị Cấp cũng được Hội đồng chính phủ tặng Bằng Khen về thành tích nuôi dấu cán bộ, bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

+ Cụ  Trịnh Đức Tần  Tham gia  hoạt động từ thời KC chống Pháp đi bộ đội , về nghỉ hưu  với cấp bậc Trung tá.

+ Cụ  Nguyễn Đình Địch  tham gia  hoạt động từ thời KC chống Pháp, là chủ tịch xã một số năm, cán bộ Nông trường Tam Thiên Mẫu   (đã nghỉ hưu )

+ Cụ  Lê Đình Tính    Tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên thời KC. Vào bộ đội năm 1953, rồi chuyển sang Công an nhân dân vũ trang, rồi chuyển ngành sang làm cán bộ ngoại thương. Năm 1965 tái ngũ, cụ tham gia quân tình nguyện đi chiến đấu tại chiến trường Lào. Đã từng là Trưởng ban Tổ chức cán bộ Bộ Tham mưu Quân khu Thủ đô. Về hưu 1983  với hàm Thiếu tá.

+ Cụ  Nguyễn Đình Tài tham gia  hoạt động từ thời KC chống Pháp,là chủ tịch xã một số năm, chuyển sang làm cán bộ Ty Giao thông thời chống Mỹ, là bố đẻ của Liệt sĩ Nguyễn Đình Nha.

                Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau  hòa bình thống nhất đất nước, có nhiều  người  cũng có cố gắng, phấn đấu trong  mọi lĩnh vực công tác đạt những kết quả đáng biểu dương:

 Trong lực lượng vũ trang

+ Ông  Lê Đình Đạt   Tiến sĩ, được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 12 năm 2011,  hiện là  Cục trưởng Cục  Tiêu chuẩn  Đo lường chất lượng -  Bộ Quốc phòng.


+ Cụ    Nguyễn Hữu Tụy    Đại tá ( đã nghỉ hưu)

+ Ông Nguyễn Đình Long    Đại tá ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Lê Doãn Huy  Đại tá, tư lệnh pháo binh Quân khu I (đã nghỉ hưu)
+ Ông  Nguyễn Hữu Tuệ  Đại tá, Trường Quân Chính Quân khu 1 ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Lê Nho Tụy  Đại tá, Công an tỉnh Bắc ninh ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Đỗ Trọng Khuê  Đại tá Tiến sĩ,
+ Ông  Nguyễn Đình Luyện  Đại tá Thạc sĩ, Cục phó Cục cơ yếu
+ Ông  Lê Nho Thiết  Đại tá, Học viện Kỹ thuật quân sự.

+Ông  Trịnh Đức Hinh Thượng tá
+Ông  Lê Doãn Lược   Thượng tá
+Ông  Lê Đình Thịnh    Trung tá…

 Và  rất nhiều người khác đã là sĩ quan phục vụ trong quân đội và công an ( các ông Lê Doãn Yển, Lê Doãn Lương… đã nghỉ hưu và nhiều anh chị em khác còn đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang.
Trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến bảo vệ biên giới hoặc đi làm nghĩa vụ quốc tế, Đại Mão đã gửi nhiều người con ra trận trực tiếp cầm súng hoặc phục vụ chiến đấu như  đi dân công, thanh niên xung phong…Có 47 người được công nhận là Liệt Sĩ và cấp Bằng Tổ Quốc Ghi Công ( Chống Pháp 16 người, sau này 31 người )ủa dòng họ nổi tiếng đăng trên trang Thư viện này )

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục ngoại giao, kinh tế thương mại…

+ Cụ    Lê Nho Thầm   Giám đốc Sở Thông tin tín hiệu Tổng cục Đường sắt ( đã mất)
+ Cụ     Lê Nho Hiện     Thường vụ huyện ủy , trưởng ban Tổ chức huyện ủy ( đã mất )
+ Cụ    Nguyễn Hữu Thướng    Chủ tịch, Bí thư huyện ủy Thuận Thành ( nghỉ hưu)
+ Cụ   Đỗ Bội Hoàn          Tốt nghiệp Kỹ sư cao cấp ESE tại Pháp, tham gia thiết kế vệ tinh khảo sát trái đất của Pháp, cộng tác với NASA góp phần thiết kế vệ tinh khảo sát Sao Hỏa
+ Ông  Nguyễn Đình Xuyến, Cán bộ HTX, bộ đội đi B rồi chuyển ngành, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghiệp vụ Thủy lợi ( đã mất)
+ Ông  Lê Doãn Yển  Tốt nghiệp Đại học tại Liên Xô, Trưởng bộ môn Tiếng Nga Trường Sĩ Quan Phòng Không, Thiếu tá về hưu.
+ Ông Lê Doãn Liên    Giám đốc công ty XD- Bộ Giao thông  ( đã nghỉ hưu)     
+ Ông  Lê Nho Nùng          Nhà giáo ưu tú- Giám Đốc Sở GD ĐT Bắc Ninh ( đã nghỉ hưu), hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Thơ BN
+ Ông  Lê Nho Chất               Phó Chủ tịch huyện Gia Lương ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Nguyễn Đình Bồn      Vụ Tổ chức cán bộ Cục Đường bộ  ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Lê Nho Uyển    Đi bộ đội vào chiến đấu ở miền Nam, bị địch bắt đi tù ở Phú Quốc.
Sau Hiệp định Pa ri được trao trả trở về Bắc; học Đại học Y, về công tác tại BV Thuận Thành  sau đó là Giám Đốc BV ( đã mất)
+ Ông  Lê Nho Phùng   Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Mặt trận TP Bắc Ninh ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Đỗ Ngọc Khuê   Tiến sĩ chuyên ngành Hóa Đại học Kishinhôp- Nga; Tiến sĩ khoa học Đại học Lô mô nô xốp –Nga; 1996 nhà nước Việt  Nam phong Giáo sư Hóa học, từ năm 1998 Bộ Quốc phòng công nhận là Nghiên cứu viên cao cấp, Đại tá, hiện vẫn công tác tai Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc Phòng
+ Ông Lê Đình Ngạn  Bí Thư Đoàn trường  cấp III Hàn Thuyên thị xã Bắc Ninh, HT cấp 2 Hoài Thượng,HT cấp 3 BTVH huyện Thuận Thành, Phó GĐ Trung tâm GDTX huyện Thuận Thành ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Lê Doãn Hạnh  Tốt nghiệp đại học tại Nga, Chi Cục Trưởng Chi cục phia nam – Cục Hàng Hải Bộ giao thông ( Đã nghỉ hưu)
+ Ông  Nguyễn Đình Bình  Kỹ sư GT- Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Vũng
Tầu ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Nguyễn Hữu Hạp  Kỹ sư  Đại học Hàng hải – Giám đốc cảng Phà đen HN ( đã nghỉ hưu)
+ Ông Lê Nho Tờ  Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Phòng TN xí nghiệp Khảo sát Thiết kế- Tập Đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam
+ Ông  Trịnh Đức Khanh  Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành III ( đã nghỉ hưu )
+ Ông  Nguyễn ( Đình) Nam Hải, Trưởng phòng GD-ĐT Lục Nam ( nghỉ hưu)
+ Ông Lê Đình Toán              Nguyên Phó bí thư huyện đoàn Thuận Thành - hiện ở SG
+ Ông  Lê Đình Thanh       Phó Bí thư HU- Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành
+ Ông  Lê Đình Tự  Tiến sĩ, giảng viên học viện ngoại giao, tùy viên ĐSQ tại Liên Bang Nga
+ Ông  Lê Nho Cù              Giám đốc Vietcomban Chi nhánh Vĩnh Phúc ( đã chuyển về HN )
+ Ông  Lê Nho Ích          Giám đốc Vietcomban Chi nhánh  Bắc Ninh
Ông  Lê Nho Đệ    Thanh tra Kho bạc Nhà nước tỉnh  Bắc Ninh
+ Ông  Lê Nho Thướng  Trưởng phòng Tổ chức Tổng Công ty May Việt Nam
+ Bà  Lê Thị Chung    Phó Giám đốc Phân viện Học Viện Ngân hàng  TP Bắc Ninh
+ Ông  Lê Nho San       Hiệu trưởng trường THPT Yên Thế, PHT THPT Thuận Thành I
Ông  Lê Nho Thạnh  Phó Ban CT Đảng - Ban cán sự Đảng ngoài nước của BTC TW hiện đang công tác tại ĐSQ Việt Nam tại Liên Bang Nga.
+ Ông  Lê Nho Thái       Trưởng phòng, SởThông Tin truyền Thông tỉnh Bắc Ninh.
+ Ông  Nguyễn Hữu Thanh  Phó Hiệu trưởng trường THPT Thuận Thành I
+ Anh Vũ Huy Hưng        Tiến sĩ – Cán bộ Giảng dạy Đại học tại Ca Na Đa…
+……………..

Trong khoảng hơn  200 các thầy cô giáo người Đại Mão đã và đang dạy học ở địa phương và các vùng miền khác ở các cấp PT và ĐH, có nhiều thầy cô giáo làm công tác quản lý lâu năm như các thầy Lê Nho Bảo, Lê Doãn Đằng, Đỗ Trọng Diệp, Lê Đình Nghiễn, Nguyễn Hữu Kim, Lê Nho Tài, Lê Nho Thu, Lê Doãn Cự, Lê Nho Nhị, Lê Thị Hường , Lê Thi Trang, Lê Thị Năm, Nguyễn Hữu Thử, Trịnh Đức Khái, Lê Nho Thấm, Nguyễn Hữu Chiến, Nguyễn Thị Phương Viên, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Hữu Nghị, Lê Nho Thắng...Có nhiều thầy giáo dạy giỏi như Lê Nho Tỳ, Trịnh Đức Khanh, Lê Nho Ánh….


Trong cuộc Kháng chiến CMCN, có 3 nhà giáo đã lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu và anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sĩ : Lê Đình Nghiễn, Nguyễn Đình Điền và Nguyễn Hữu Thành Sơn.( Cụ Lê Thị Tải, mẹ liệt sĩ Lê Đình Nghiễn được nhà nước phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, được Học viện Hậu Cần QĐND Việt nam nhận phụng dưỡng Mẹ).
        Có nhiều cháu học sinh ngoan ngoãn, học giỏi, đạt được nhiều thành tích trong các kỳ thi quốc gia, tỉnh, huyện tôi chưa có điều kiện thống kê ( Phần này các thầy cô giáo nên có các bài viết riêng, động viên các thầy cô giáo dạy giỏi và các cháu học sinh của thôn xã).

Trong lĩnh vực quản lý làng xã, cũng có nhiều các ông các bác, các bác, các đồng chí làm cán bộ Đảng ủy, UBND, các Đoàn thể ở xã; Chi bộ, các tổ chức, đoàn thể ở thôn, ngõ xóm… trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong hòa bình đều tận tụy hết lòng với công việc mình được phân công, trung thực liêm khiết, luôn chăm lo cho dân từ cụ già đến cháu nhỏ, từ người sống đến người chết, người đi xa. Họ là những con chim đầu đàn tập hợp mọi người xây dựng quê hương. Mọi người chúng ta cần phải  biết đến cái khó, cái khổ của họ mà thông cảm và ủng hộ.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cũng có nhiều người làm tốt, tạo lập kính tế gia đình cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở trong thôn như Lê Thị Lượng ( Công ty Quang Hưng), Lê Doãn Vĩnh ( công ty Hoài An ); Lê Phương Nam ( Lê Đình Chuyền- công ty Nam Tiến ), Nguyễn Hữu Thụy ( Công ty Thành Thái), Nguyễn Hữu Bảo, Nguyễn Hữu Hậu, Lê Doãn Giáp, Nguyễn Đình Dã Thảo, Nguyễn Hữu Thanh, Lê Đình Chiến Mai, Lê Doãn Đĩnh, Lê Đình Thái… Nhiều người làm đội trưởng xây dựng như: Lê Đình Thi, Lê Đình Thắng, Nguyễn Hữu Chức, Lê Doãn Mật…Cũng khá nhiều người làm trang trại có hiệu quả như Nguyễn Hữu Tần, Lê Nho Khanh, Lê Đình Văn, Vũ Huy Vinh…

Khu Ngõ Giếng Mới: Trường Mầm Non,Công ty Hoài An, Công ty Nam Tiến, Khu nhà cạnh  chợ Giữa

Các anh, các chị đã đổ bao mồ hôi và tâm sức để có thêm thu nhập cho  bản thân mình, rồi  giúp đỡ anh em, người thân trong gia đình; làm giàu thêm cho quê hương bằng cách tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động khác.
 Họ còn trực tiếp xây dựng quê hương bằng việc đóng góp cho Quỹ Khuyến học của dòng họ, của thôn; góp công góp của tôn tạo Đình, chùa, sửa chữa đường xá; tài trợ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động của Thư viện thôn…

 Còn nhiều tấm gương đáng học tập mà tôi chưa có điều kiện thống kê, mong mọi người thông cảm…
 Thị Năm, Nguyễn Hữu Thử, Trịnh Đức Khái, Lê Nho Thấm, Nguyễn Hữu Chiến, Nguyễn Thị Phương Viên, Nguyễn Hữu Ch

Đại Mão hào hoa vạn thế anh

                                                                
Điểm qua vài nét về Đất và Người Đại Mão -Trung Thôn, chắc nhiều người cũng nghĩ như tôi: quê mình chưa hẳn đã đẹp và giàu có lắm, nhưng cũng là một miền đất có những nét đẹp về văn hóa, nhiều nơi khác chưa chắc đã có.



Trải qua hàng mấy trăm năm, người dân Đại Mão đã vật lộn với thiên nhiên, chống thù trong giặc ngoài; đã cùng nhân dân mọi miền quê khác xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng  xây dựng những phong tục tập quán đẹp của quê hương làng Giữa. Đến nay Đình Làng, nhà thờ họ Lê Doãn được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa, chùa Sùng Ân của làng ngày một khang trang. Nhiều năm, làng được công nhận là Làng Văn hóa. Nhiều truyền thống được xây dựng từ ngàn xưa nay còn giữ được : cần cù, sáng tạo trong lao động; chăm học chữ và giỏi học nghề,làm nghề; dũng cảm trong chống giặc và chống thiên tai; tôn sư trọng đạo; kính già mến trẻ;  đoàn kết và khiêm tốn; có ơn thì trả ơn, lấy đức báo oán...Nhưng địa phương ta và trong từng gia đình vẫn còn những tồn tại, điểm yếu phải suy nghĩ tìm cách khắc phục… trọng đạo; kính giu truyền thống được xây dựng từ ngàn xưa nay còn gi
Chùa Sùng Ân  khởi công xây Cổng Tam Quan ngày 10 tháng 3 năm Quý Tỵ 2013


 Chúng ta  tự hào và biết ơn các thế hệ tổ tiên, cha anh đã đổ bao mồ hôi và máu xương để tô đẹp mảnh đất này. Chúng ta càng phải có trách nhiệm phát huy truyền thống người xưa; làm cho quê ta, trong đó có gia đình ta, ngày một  văn hiến, giàu có và yên bình hơn...

Tôi muốn dùng lại một vài câu thơ tôi đã làm để kết thúc bài viết này vì tôi luôn tin rằng : tuổi trẻ Đại Mão nhất định phát huy được truyền thống quê hương, noi gương tổ tiên cha anh làm cho quê hương ngày càng đẹp, càng giàu, cuộc sống ngày một văn minh hơn:

                          Trung Thôn kim cổ nhân khiêm nhượng
                                 Đại Mão hào hoa vạn thế anh./.

                                                         Nhân dịp làng ta khai trương thư viện
                                                                                                 Tháng 4 năm 2013

                                                                                                     LÊ NHO LÃNG

4 nhận xét:

  1. cái xấu xa như con giết cha,họ hàng kiện nhau vì cái lối đi,cờ bạc nghiện hút thì không nói tới.....Âu cũng chỉ vì hai chữ khoe mẽ mà thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nhận xét hơi phiến diện rồi! Ngay trong một con người, bất cứ ai cũng có cái tốt, những mặt ưu và cái xấu cái nhược điểm, chứ chưa nói tới một địa phương, một đất nước. Người Làng Giữa chỉ mong cổ động được cái tốt, nhân cái tốt lên nhiều hơn thì cái xấu sẽ bớt đi. Ngay khi đọc đến những cái tốt, mỗi người sẽ tự soi mình sao cho ta tốt hơn lên. Đó là quy luật bạn ạ.
      Hãy nhìn cuộc sống với một góc nhìn thiện chí hơn, tươi tắn hơn!

      Xóa
  2. Đồng ý, chúng ta không tô hồng những nét đẹp, những cái tốt nhưng nên đưa ra để các thế hệ đã, đang và sẽ tiếp tục nhìn vào để phấn đấu hơn nữa vì chính chúng ta và vì 1 quê hương truyền thống hiếu học.

    Trả lờiXóa