Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013



ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 2 ) 
Lời người biên tập : Chuyên mục   ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN đã ra đời, được đánh số từng kỳ, là chuyên mục giới thiệu về những địa danh, những phong tục tập quán… và những con người cụ thể của quê hương làng Giữa, mong truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết thêm về quê hương của mình, tự hào về mảnh đất và con người của quê mình.
     Mong sao niềm tự hào ấy là niềm tự hào chính đáng, và như câu xưa các cụ thường nói “ Con hơn cha là nhà có phúc”; tuổi trẻ càng phải phấn đấu để quê hương, gia đình mình ngày càng tốt hơn, đẹp hơn…

             Để chuyên mục phong phú và hấp dẫn , có tác dụng giáo dục cao, chúng tôi đề nghị quý độc giả tham gia gửi bài viết, hình ảnh về cho Ban biên tập.  Như một tác giả trong làng đã có câu thơ “ Trung Thôn kim cổ nhân khiêm nhượng” ( Người Đại Mão - Trung Thôn từ xưa tới nay luôn khiêm tốn), bài viết cần chân thực, chính xác; không tô hồng, động viên quá sự thực.
              Chúng tôi rất mong nhận được bài viết của các cụ cao niên nói về Làng Giữa ngày xưa, vì con cháu ngày nay đâu có biết ngày xưa và tư liệu khó tìm. Cũng mong nhận được những bài viết về đất và người Đại Mão ngày nay của tất cả mọi người, nhất là các thầy cô giáo trong làng dạy học ở các loại hình trường học gần xa, vì các thầy cô có điều kiện tiếp cận với giới trẻ và các nguồn thông tin thuận lợi hơn...
              Các bạn có thể gửi bài qua ông Lê Đình Ngạn , Địa chỉ : nganhttt@gmail.com

                                                                 --------------------------------------    
          
           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 2  xin  giới thiệu bài viết của ông Lê Đình Ngạn ở xóm 4 Đại Mão  nói về hệ thống các ngôi điếm ở trong làng.
            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả.

                                                             %%%%%%%%%%%%%%%


   CÁC ĐIẾM XÓM Ở LÀNG TÔI  

            Một số người lớn tuổi hay gặp nhau tại nhà tôi uống trà. Trong câu chuyện trao đổi, họ hay nói về những chuyện ngày xưa. Thời trước cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp ra sao; đánh Mỹ thế nào, rồi chuyện thời bao cấp, lan man chuyện cũ chuyện mới…Một ông nhớ lại: Thời bé chúng mình ngớ ngẩn hơn trẻ con cùng lứa bây giờ nhiều. Đồ chơi, trò chơi cũng cức kỳ đơn giản. Đánh khăng, đánh đáo, quật tường, trốn tìm, đánh trận giả… Con gái  thì đánh ô ăn quan, bán hàng, đánh chuyền, chơi cờ kim mộc thủy hỏa thổ… Có khi đùa nhau ở nhà ầm ĩ, bố mẹ hay nhắc : Anh em ra Điếm mà chơi!. Điếm ngày xưa trước hết là công viên của trẻ…



Điếm Ngõ Làng, hiện gọi là xóm 3
  
          Điếm xóm là nơi đã gắn với tuổi thơ và cả  cuộc đời của nhiều thế hệ ở làng tôi. Không biết những ngôi nhà mà người làng tôi gọi là điếm ấy có từ bao giờ, chắc phải có từ một vài trăm năm rồi, qua nắng mưa, bão lụt có những ngôi còn gỗ gạch cũ, có những ngôi mới sửa lại hoàn toàn. Nhưng rất may chúng vẫn tồn tại trên nền đất cũ, tôn tạo vững chắc hơn trước.
          Có một số người đặt cho chúng cái tên mới: Điểm Văn hóa Thể thao xóm (… nghe có vẻ bớt phong kiến, lạc hậu, mê tín dị đoan?). Nhưng người già thì vẫn thích gọi là điếm xóm hơn, vừa quen, vừa ngắn gọn đỡ lằng nhằng. Câu chuyện lan man làm chúng tôi nhớ về thời xưa cũ…


Điếm xóm ngõ Giếng ( Ngọc Tỉnh ) nay là xóm 2 Đại Mão
          Những ngôi điếm ấy hay được xây ở  dọc đường trước làng và ngay đầu lối rẽ vào từng xóm. Thường là một ngôi nhà ba gian lợp ngói, riêng Điếm ngõ Giếng ( xóm Ngọc Tỉnh) có 5 gian gỗ lim. Trước điếm thường có cây bàng tỏa bóng mát, cây nào quả ngon trẻ có thể ăn đến no.

         Làng Giữa ngày xưa có 7 ngôi điếm, gắn với các xóm ( hạng ); đó là:
-         Điếm ngõ Làng (Hương hạng)
-         Điếm ngõ Giếng (Ngọc Tỉnh hạng )
-         Điếm ngõ Đình (Đình hạng)
-         Điếm ngõ Bằng (Bằng hạng)
-         Điếm ngõ Quan ngoài (Tây lai hạng)
-         Điếm ngõ Quan trong (Đông lai hạng)
Điếm xóm ngõ Bằng , thẳng đường từ Đình vào

          Riêng ngõ Giếng còn có một điếm nhỏ hơn gọi là Điếm Chòi ở cuối ngõ ( Ngõ Trại ngày xưa). Một ngôi mới được quy hoạch và xây gần đây khoảng 2005; đó là Điếm xóm 4 ở gần Nghĩa trang Liệt sĩ, đằng sau trụ sở Ủy ban xã.

          Điếm gắn bó với chúng tôi biết bao! Đi xa nhớ làng mình, nhớ ngôi đình nhớ điếm, nhớ cổng xóm… Đi đâu về đến điếm coi như về đến nhà…
Có những vị khách xa về chơi, khi đi qua điếm họ hỏi đây là công trình gì, thường chúng tôi trả lời chung chung là cái điếm của xóm.
Nhưng khách hoặc các cháu ít tuổi hỏi kỹ hơn: Điếm là gì, là nơi thờ ai, tính năng tác  dụng như thế nào, mãi đến gần đây tìm hiểu nhiều hơn tôi mới phần nào trả lời rõ ràng được.
o0o

          Theo nghĩa từ Hán Việt ( có người bảo là từ Việt Hán mới đúng, vì là từ gốc Hán đã được Việt hóa rồi), từ điếm có các nghĩa như sau:
+Điếm (1) : - Chỗ bán hàng :  VD lữ điếm, phạn điếm, thư điếm, thương điếm
-         Chỗ canh gác  : Điếm canh
+Điếm (2) : Làm nhơ nhuốc . Điếm nhục : làm nhơ nhuốc, nhục nhã ; VD Điếm nhục gia phong.

          Cái điếm  từ xưa trước hết là trụ sở  của lực lượng an ninh, nơi canh gác của các tuần phiên, trương tuần ( như ta gọi là công an viên bây giờ) giữ cho xóm ngõ bình yên. Chả thế mà trước đây ở điếm nào cũng treo một cái mõ, thường làm bằng gỗ đục hình con cá, thậm chí mõ cá hỏng thay bằng mõ gốc tre. Tiếng mõ để cầm canh, để báo động cho bà con dân thôn khi có trộm cướp cùng nhau vây bắt; khi có xảy ra hỏa hoạn cùng nhau đi cứu giúp nhà bị cháy. ( Ngày xưa nhà, bếp thường lợp rơm rạ, lá mía, lá gồi, việc cháy xảy ra thường xuyên)

Điếm xóm Đông quan ( hiện ở xóm 1)

                                                         o0o

          Nhưng đã có một xóm, một khu đất, một cái nhà thì phải có một ông thần cai quản, bảo hộ… vậy điếm còn là địa điểm để xóm ngõ thờ Thổ Kỳ ( chứ không phải thổ cờ như nhiều người vẫn nói). Thổ Kỳ là ông Thần đất cai quản cả một cõi (miền) *;   miền đó chính là khu đất của ngõ xóm vậy.

          Điếm còn là nơi thờ cúng cho những người lập hậu ở xóm. Ngày xưa những nhà không có con cháu thờ cúng thường hiến một số tài sản, ruộng đất cho xóm ngõ dùng làm của công, hàng năm thu hoa lợi làm kinh phí tổ chức cúng giỗ cho các cụ. Tên xứ  ruộng đất ấy được khắc vào bia đá để lưu truyền cho các thế hệ sau được tỏ tường.
           Mỗi năm vào đầu hè cỡ tháng 4 âm lịch, các xóm thường tổ chức cúng Hè tại điếm.Cúng Thổ kỳ, các cụ có hậu xưa, cúng cháo ban phát cho các cô hồn, có đủ xôi thịt và không thể thiếu bánh đa bánh đúc, mận và dưa..
                                                      o0o

          Ngoài các chức năng nói trên, điếm còn là trụ sở hội họp của bà con trong ngõ xóm bàn các công việc chung của ngõ, của thôn; là công viên nơi trẻ vui chơi, nơi hóng mát của người trẻ, người già. Nó cũng là nơi tạm nghỉ của mọi người sau khi đi làm ở đồng xa trước khi về nhà. Về đến điếm rồi! Xuống ao rửa tay chân, dụng cụ đi làm, ngồi bậc đá nghỉ tí đã… Buổi tối sáng trăng, Điếm là nơi hẹn gặp của các đôi trai gái yêu nhau…
Điếm là nơi tập  trung xã viên trước khi đi làm lấy công điểm thời Hợp tác xã mới được thành lập.
          Có một thời, điếm còn được là nơi tổ chức các lớp học bình dân, có lúc nó mang chức năng của một cái chợ nhỏ, có các bà hàng xén bán hàng, có anh thợ cắt tóc cho dân, có ông hàn nồi đến sửa nồi, siêu nước thủng cho bà con trong xóm, là nơi ông thợ bạc đánh cho các cháu cái vòng cổ, vòng tay, là nơi ông thợ rèn tranh thủ sửa cho bà con cái liềm cái cuốc....

         Điếm còn là nơi học cho các cháu Mẫu giáo, là nơi đặt các bàn Mắc vải (quay sợi) phục vụ nghề dệt vải, dệt màn thủ công ngày xưa…

Điếm của xóm trẻ nhất: Xóm 4

  
         Điếm chứng kiến bao niềm vui nỗi buồn, chứng kiến bao thăng trầm của làng, của xóm. Điếm ngày nay được tôn tạo đẹp hơn trước, vẫn là công trình kiến trúc công cộng, nơi thờ thổ kỳ, cúng bái theo tín ngưỡng của bà con; là nơi họp hành cho các đối tượng trong ngõ xóm, là nơi tổ chức Bầu cử… còn là địa điểm nghỉ ngơi,  vui chơi của người già, con trẻ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao hàng ngày.



          Mong rằng những chiếc điếm sẽ tồn tại mãi. Những cán bộ quy hoạch nông thôn luôn hiểu: mỗi khu vực dân cư rất cần những khu đất xây công trình công cộng. Trong thời kỳ đô thị hóa nông thôn ngày nay càng phải nghĩ đến. Có những cái  nghĩ đến không phải là tầm nhìn xa lắm như bến xe để trông giữ xe ô tô cho người dân và khách đến làng, đưa đón người dân đi học, đi làm; thậm chí quy hoạch cả khu vệ sinh công cộng ( có thể thu phí ) nơi nhiều người qua lại…
           Và phải có những khu vực tâm linh, nhiều chức năng như cái Điếm làng tôi…

           ---------------------------------------------------------------------------------

·       Kì : Từ Hán Việt có nhiều cách viết và nghĩa khác nhau:
-    Kì : 1.Đường nhánh – 2. Chia rẽ, không thống nhất ( phân kỳ , kỳ thị…)
-         : Cõi, miền ( Bắc kỳ…)
-         Kì : Lạ ( kì dị , kì quái, kì ảo, kì quan, kì tài…)
-         Kì  : 1- Của nó    2.Cái ấy  3. Đuôi một từ ( cực kì…)
-         Kì : Cầu, xin.
-         Kì: Già lão ( kì cựu, kì lão, kì hào,)
-         Kì :  ( kì khu )
-         Kì : 1.Thời hạn cập kì chu kì, định kì.học kỳ… 2. Mong ( kì vọng )
-         Kì : Cuộc cờ  ( cầm kì, cầm kì thi họa…)
-         Kì : Lá cờ ( Đảng kì, Quốc kì…)
-         Kì : Chỗ đất nhà vua đóng đô ( kinh kì.)
                                          
                         ****%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%****
                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét