Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

ST: ĐÃ CÓ NHỮNG CUỘC THI NHƯ THẾ

Đã có những cuộc thi như thế

      Ai ở xa đến thăm khu Đình Làng- Nhà văn hóa ( Làng Giữa ) sẽ được giới thiệu đây là ngôi đình mới, được xây dựng lại từ năm 1995,  nằm trên nền đất của ngôi đình cũ.

     Đình cũ bị đốt năm 1949. Thầy u tôi nói chuyện lại, khi đẻ tôi được dăm ba hôm thì "đốt đình". Tại sao đình bị đốt, ai dám đốt đình?
           Nếu các bạn nhớ, thì trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ta có chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Chính Việt Minh đã có chủ trương đốt đình, không để giặc lợi dụng đình làm căn cứ quân sự, đóng bốt. Nhưng rất đáng tiếc là, đình đã bị đốt mà bốt giặc vẫn cứ xây.

Góc đình
     Đúng hơn, đình mới được xây trên nền của Đình Trong. Cách Đình Trong vài trăm mét còn có Đình Ngoài hay còn gọi là Đình Chợ. Đình Trong chủ yếu phục vụ cho nghi thức " lễ".  Đình Ngoài, ngoài việc phục vụ tế lễ như tế "Thánh sư bách nghệ" còn là nơi họp chợ và tổ chức các cuộc thi trong lễ hội dịp đình đám của làng.
         Xưa kia hàng năm làng Giữa vào đám từ ngày 5 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, các nghi lễ trọng thể nhất tiến hành vào ngày mồng 10 tháng 2. Ngày 13/2 là ngày An Thần, thường tổ chức rước Tượng ( lợn tượng) ra đình để làm lễ đại tế thần.
         Đêm trước ngày lễ An Thần, tức đêm 12/2,tại Đình Chợ, làng tổ chức " thi đọc  Mục Dục'' của làng. Mục Dục là gì, cuộc thi được tổ chức ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu... 
+ MỤC DỤC LÀ GÌ ?
- Tìm hiểu về ngữ nghĩa : Theo ''Từ điển Từ Hán Việt" ( Lại Cao Nguyên chủ biên Nhà XB KHXH xuất bản 2007) từ ''Mục" có nhiều nghĩa; mục là chăn nuôi, là chức quan đứng đầu một châu ở trung Quốc thời xưa; mục là hòa thuận; đáng chú ý mục còn có nghĩa là mắt, là phần nhỏ trong một chương sách, điều khoản... Dục: dục là muốn; là tính dục; đáng chú ý là nuôi, dạy dỗ, sinh đẻ...
-Người viết bài này không được học chữ Hán Nôm. Hỏi các cụ các ông trong làng song chưa đến nơi.Tạm hiểu : Mục Dục của làng Giữa là một áng văn chương, là một bài ca có nội dung gồm nhiều điều khoản, nhằm giáo dục, răn dạy mọi người  trong làng phải tuân theo để giữ lại những thuần phong mỹ tục của một miền quê văn hiến. Mục Dục không phải là hương ước, nhưng có những nội dung như quy định về nếp sống của làng văn hóa hiện nay.

NỘI DUNG BẢN MỤC DỤC:
Phiên âm chữ Hán:
Kỳ từ viết:
Ước thúc bất tu đa
Hương thôn quý thuận hòa .
Sự thần nghiêm hữu lễ
Đích kỹ bất di hà
Ước viết:
Thời duy nhị nguyệt
Tiết thuộc trọng xuân .
Tịch khai kỳ phúc 
Lễ cử sự thần

Y quan vân tập
Trở đậu tinh thần
Uy nghi lệ lệ
Thăng giáng tuần tuần

Cổ cầm cổ sắt
Xuy trì,xuy huân
Tái ca tái vũ
Hữu bản hữu văn.

Quy mô hoán cựu
Thúc ước đinh tân
Lễ vô bất kính
Tục thượng hồ thuần

Tôn ti hữu tự
Thượng hạ tương thân
Dĩ hòa dĩ thuận
Hưng nhượng, hưng nhân

Bài ưu vô mạn
Lễ bộ thị tuân
Cửu ca vật hoại
Bát âm hữu luân

Nhất đoàn hòa lạc
Bách phúc biền trăn
Hiền tài tể tể
Văn học bân bân

Sĩ đặng quý hiển
Ấp hựu phú ân
Sương tương tư vạn
Ngưu, mã thành quần

Khánh quang hộ hộ
Thọ hưởng nhân nhân
Chung tư trập trập
Lân chỉ chân chân

Thần công mặc tướng
Thiên quyến thường thân
                   Hữu ước
                                                      Thông tri

Dịch nghĩa:
Nay có lời:
Những khoán ước,quy định không cần nhiều/Ở chốn làng xã cái quý nhất là sự hòa thuận/Việc thờ thần thánh cốt lấy sự nghiêm túc làm trọng/Mục đích là như thế;khó mà nói cho hết.

Đến nay là tháng hai/Giữa những ngày xuân/Toàn dân mở cửa đình cầu phúc/Dâng lễ thờ thần,thành hoàng làng.
Áo,mũ phải tề chỉnh/Mâm lễ bầy ra phải tinh tươm sạch sẽ/Khi làm lễ phải có dáng nghiêm trang/động táclên xuống phải đều đặn.
Nhạc cụ phải có trống, có đàn; có thổi kèn thổi sáo-Khi hát múa phải có trình tự, bài bản
Khuôn phép cũ là như vậy, nhưng cũng có những việc phải thay đổi/Đặc biệt khi làm lễ phải thể hiện kính trọng tin tưởng/Phong tục,tục lệ được ưa chuộng là sự hòa thuận đoàn kết.
Người trên kẻ dưới phải có trật tự,thứ bậc/Trên dưới đều phải thương yêu quý trọng lẫn nhau.Cốt nhất giữ lấy điều hòa thuận/Mọi người cùng nhường nhịn nhau.
Khi trình diễn ( văn nghệ ) không được nhảm nhí,nhờn cợt/Tất cả phải theo phép tắc nhất định...
Cả làng như một đoàn, một khối mọi người cùng vui/Trăm nhà đều được hưởng phúc/Làng xã thường xuyên có nhiều người hiền tài/ Sự học hành được mở  mang hoàn hảo.
Những người có học sẽ trở nên thành đạt/ Làng mạc trở nên giàu có/ Kho đụn đầy ắp / trâu ngựa thành đàn.
Chúc toàn thể mọi nhà/Mọi người đều được hưởng thọ,đông đàn dài lũ


Cầu mong thánh thần luôn để tâm giúp đỡ cho làng xã này để miền quê này luôn được hưng thịnh, đổi mới.
Dịch thơ:

                                             Nay có lời:
Lời hẹn ước thiết tha ngắn gọn
Chốn hương thôn nên trọn thuận hòa
Sự thần lễ tự lòng ta
Hẳn là cho phúc mọi nhà sinh sôi
Lời ước rằng:
Tháng hai tới tiết trời ấm áp
Giữa mùa xuân tươi đẹp cỏ hoa.
Cầu phúc, phúc tới muôn nhà.
Lễ nghi sắp đặt nguy nga sự thần.

Áo mũ tựa như hàng vân tập
Trở đậu bầy vằng vặc như sao.
Uy nghi đẹp đẽ nhường nào
Dịu dàng lên xuống có chiều khoan thai.

Cung cầm sắt hòa vui nhịp điệu,
Khúc huân trì êm dịu bên tai.
Vũ ca hòa nhịp cả hai
Có bên nguồn cội, có bài văn chương.

Quy mô trước tìm phương hoán cựu,
Ước mong bài định liệu canh tân.
Lễ nào chẳng kính, chẳng tôn;
Thuần phong mỹ tục, hương thôn tốt lành.

Tôn ty phải có hàng có bậc
Dưới trên đều rất mực tương thân
Ở ăn hòa thuận quây quần;
Nhún nhường, niềm nở; xa gần mến yêu.

Khi xướng hát không điều nhờn cợt,
Lễ nghi thường vẫn được tuân theo.
Cửu ca không bỏ mọi điều,
Bát âm thứ tự có điều mau khoan.

Dân đầm ấm một đoàn hòa lạc,
Nhà vui vầy trăm phúc biền trăn.
Hiền tài kế tiếp mọc lên,
Rạng rỡ văn học, xây nền văn minh.

Nhiều kẻ sĩ nên danh quý hiển,
Dân mạnh giàu, vườn ruộng phong lưu.
Muôn nhà ngô lúa đầy kho,
Ngựa trâu đông dắt trước sau từng đàn.

Mừng mọi nhà phong quang tráng lệ,
Biết bao người tuổi thọ an khang.
Mừng vui tấp nập đông đàn,
Đề huề lân chỉ,muôn vàn tử tôn.

Cầu thần thánh ra ơn giúp ích,
Trời đoái thương cho phúc trùng lai.
Tu nhân tích đức ở đời,
Là điều mong ước mọi người chớ quên!

+ NGHĨ VỀ CUỘC THI ĐÃ MẤT
- Ý nghĩa cuộc thi đọc Mục Dục : Những người già trong làng kể lại, để thi đọc Mục Dục, bài Mục Dục được viết bằng chữ Hán trên một tờ giấy vàng; dán lên tấm bảng sơn son để trên giá đỡ đặt trước cửa võng của Đình. Người tham gia đọc thi quần áo chỉnh tề, theo hướng dẫn của Ban tổ chức khoanh tay tiến vào đọc.
      Ngày xưa không phải ai cũng được học và biết nhiều chữ Hán. Vậy thì ngoài những người biết chữ, có thể có những người  đã thuộc lòng nội dung bài văn. Tuy nhiên phải đọc đúng, đọc hay có nghĩa là phải đọc lưu loát, có nhạc điệu. Sau từng câu lưu loát với giọng đọc truyền cảm, người thi được động viên bằng một tiếng trống và một tiếng kẻng để đọc tiếp câu sau. Nếu đọc sai, ngắc ngứ, giám khảo đánh một hồi kẻng báo dừng, người thi tự cúi đầu lui ra để cho người khác vào thi tiếp.
      Đông đảo người dân cùng Ban Giám khảo chứng kiến tài đọc văn của từng thí sinh. Cuộc thi này không ồn ào náo nhiệt như đánh vật, thi dệt vải hay chọi gà... Được tổ chức tại nơi trang trọng, trong không khí linh thiêng của ngày đình đám, khán giả cực kỳ chăm chú nghe. Nghe để hiểu thêm, thuộc thêm nội dung bài văn, suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân, gia đình... làm sao tiếp nối truyền thống quê hương, sống đoàn kết thuận hòa, giữ kỷ cương của một miền văn hiến.

- Về nội dung bài văn:  Như trên đã nói  "là một bài ca có nhiều nội dung, nhằm giáo dục, răn dạy mọi người trong làng phải tuân theo để giữ lại những thuần phong mỹ tục của một miền quê văn hiến. Mục Dục không phải là hương ước, nhưng có những nội dung như quy định về nếp sống của làng văn hóa hiện nay". Vậy thì nên chăng, những người đã biết nội dung, nghệ thuật bài văn này, bằng mọi cách truyền đạt cho những người chưa biết?

     Các thầy cô giáo trong làng, nhất là các thầy cô dạy Văn, Sử, GDCD  nên tìm hiểu về một áng văn học cổ của quê mình, hiểu và truyền dạy cho học sinh mình bài văn này, truyền cho con em quê hương niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó cũng liên hệ, giáo dục các em biết sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật; tôn trọng hương ước, quy định của địa phương.
            Các đồng chí cán bộ địa phương, hội Người cao tuổi xem xét, có thể khôi phục lại cuộc thi này, mang màu sắc mới của phong trào xây dựng làng văn hóa?
                                                                     
                                                                       Tháng 09 năm 2011
                                                                        LÊ ĐÌNH NGẠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét