Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Nhớ lại một số bài thơ mùng thọ

                            
                              Nhớ một số BÀI THƠ MỪNG THỌ

Cũng như ở nhiều làng quê khác, làng Giữa có truyền thống cần cù lao động, tôn sư trọng đạo, chăm chỉ học hành … và trong những truyền thống đáng nói đến, có truyền thống  tôn vinh kính trọng người cao tuổi.
Trước khi nói về những nét thể hiện truyền thống ấy, phải nói thêm rằng, những người già trong làng cũng rất khiêm nhường, làm gương cho cháu con về đường cư xử.
Lúc bé, lứa tuổi chúng tôi được các cụ dạy cách chào người lớn. Ví dụ: lúc rất nhỏ, đi đâu gặp người lớn, các cụ thường nhắc : Con lạy cụ đi! Thế là trẻ con chào: Con lạy cụ ạ! Lớn lên một chút, các cụ dạy con cháu biết dùng  một câu chào lễ phép với người lớn: “ Cháu chào Cụ ( Ông, Bà, Bác, Chú…) ạ!”. Thật là một câu ngắn gọn, đúng ngữ pháp, nêu lên được ai chào, chào ai, và có thêm từ đằng sau để tỏ lòng tôn kính; chứ không như trẻ nhỏ bây giờ khi chào thì cộc lốc, có khi câu chào biến thành câu hỏi: Ông đi đâu ?
Về phần các cụ, các cụ cũng khiêm nhường chu đáo đáp lời khi nhận được lời chào:
- Vâng! Chào Bác! ( Chào Anh! Chào Cháu !)
- Không dám ạ!
 Phải nói thêm rằng ở làng tôi ngày xưa, con cái có thể xưng “ em” với bố mẹ- nhưng tuyệt đối không ai dùng từ “ tôi”. Còn người lớn tuổi hơn có khi lại chào người ít tuổi hơn : - Em chào các bác! Thậm chí : - Cháu chào các bác! ( các cụ đứng ở vai con, vai cháu mình mà chào, mà xưng hô!)


Từ trước tới nay, mọi người trong làng sống đến tuổi thứ 60 thì được “lên lão” ( vào nóc các cụ) và được mọi nhà, mọi người đến chúc mừng. Sau đó cứ đến những năm tuổi chẵn chục ( 70, 80, 90, 100 ) là các cụ lại được “ lên lão ” tiếp.
 Các cụ đạt đến tuổi chẵn nói trên, tết đến có cơi trầu ra Đình làm lễ cúng Thần và Thành Hoàng Làng. Còn dân làng, con cháu nhân dịp Tết Nguyên Đán tổ chức đi thăm, mừng thọ các cụ. Mọi người thường đến tận nhà chơi, mừng thọ các cụ vào các ngày 1,2,3 Tết. Lời hay ý đẹp, thơ phú chào mừng là chính; còn quà mừng thọ chủ yếu của con cháu nội ngoại xa gần: trước đây là hộp mứt, bánh pháo, gói chè, chai rượu chanh… bây giờ có thể “ giá trị” hơn, và có thể thay bằng phong bì mừng tuổi các cụ.
Theo lệ làng, các cụ được “ lên lão” cũng tổ chức “ khao lão”. Cỗ bàn được tổ chức tương đối đơn giản, tiết kiệm vào các ngày từ mồng hai đến ngày mồng 4 Tết Nguyên Đán; không rùm beng rườm rà như một số nơi.

Sáng ngày 2 Tết, Chi hội Người Cao tuổi thôn cùng với Chính quyền, Mặt trận thôn mời các cụ và thân nhân ra Nhà Văn hóa Thôn, tổ chức gặp mặt, chúc thọ các cụ, có thể kết hợp kết nạp Hội viên mới. Ý đẹp lời hay, lãnh đạo địa phương và Hội Người Cao tuổi chúc thọ các cụ, chúc các cụ trường thọ, sống vui sống khỏe; làm gương và dạy bảo cháu con chăm làm, chăm học, sống đoàn kết để xây dựng nông thôn mới; phát huy truyền thống quê hương. Những bài ca, tiếng hát, lời thơ mừng các cụ, mừng quê hương đổi mới từng ngày. Các cụ còn được nhận quà của  nhà nước, của địa phương và đón nhận Bằng Mừng Thọ của Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam

Trong những năm chống Mỹ và thời bao cấp, các cụ còn được nhận Thơ Mừng Thọ do Chi hội Người Cao tuổi thôn chúc mừng :

Thơ Mừng các cụ thọ 60 tuổi :

                   Ung dung hôm sớm trượng ư hương*
                   Ơn Đảng ngày nay được thọ trường.
                   Toàn hội vui già xin kính chúc:
                   Tiếp tài, tiếp lộc, tiếp vinh xương!

Thơ Mừng các cụ thọ 70 tuổi :

                   Non sông đổi mới khắp gần xa,
                   Đào thắm, mai vàng nẩy nở hoa.
                   Mừng cụ xuân thu đăng trượng quốc*
                   Gia đình đầm ấm cảnh vui hòa.

Thơ Mừng các cụ thọ 80 tuổi :

                   Ung dung tóc bạc với da mồi
                   Tám chục xuân rồi đượm vẻ tươi.
                   Tuổi thọ càng cao càng mạnh khỏe
                   Hội già mừng chúc cụ  thêm vui.

Thơ Mừng các cụ thọ 90 tuổi :

                   Mừng cụ xuân này tuổi chín mươi
                   Tuyết pha mái tóc nhuộm da mồi.
                   Ơn trên hôm sớm luôn vui mạnh,
                   Chúc tiệc “ kỳ di” sẽ tới nơi !


Tháng 7 năm 1013 vừa rồi, Lãnh đạo thôn đã tổ chức hội nghị bổ xung Ban chỉ đạo thực hiện Quy ước Làng Văn hóa thôn Đại Mão và bàn việc lãnh đạo  công tác này trong thời gian tới. Chúng ta hy vọng với sự đồng tâm nhất trí của lãnh đạo và nhân dân địa phương, những nền nếp phong tục tốt đẹp của quê hương ( trong đó có phong tục “ trọng xỉ ” – kính trọng người cao tuổi ) sẽ được bồi đắp, phát huy và  vận dụng một cách phù hợp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
                                                 
                                                                                        LÊ TRUNG THÔN
     
            ****************************************   

3 nhận xét:

  1. Tôi rất thích trang báo này,tôi là người Bắc Ninh,tôi yêu những phong tục ở đây ,tôi rất tiếc những nét đẹp cổ đã bị mai một như:
    Nói chuyện với người cao ruổi nói
    -Dạ bẩm con hầu chuyện cụ
    -Dạ Con hầu rượu cụ
    -Con hầu cụ ván cờ
    Gặp thầy giáo chào là:
    -con lạy thầy...
    Khi con cái có lỗi thự nằm xuống đất nhận lỗi,nhận hình phạt tự nguyện...bây giờ nét đó đi đâu rồi ..ôi tiếc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xon chào chị! Cảm ơn chị đã quan tâm đến " bài báo" này. Đây là 1baif viết rất thực ở quê tôi. Xin được kết bạn trên FB nhé?

      Xóa
  2. Tôi rất thích trang báo này,tôi là người Bắc Ninh,tôi yêu những phong tục ở đây ,tôi rất tiếc những nét đẹp cổ đã bị mai một như:
    Nói chuyện với người cao ruổi nói
    -Dạ bẩm con hầu chuyện cụ
    -Dạ Con hầu rượu cụ
    -Con hầu cụ ván cờ
    Gặp thầy giáo chào là:
    -con lạy thầy...
    Khi con cái có lỗi thự nằm xuống đất nhận lỗi,nhận hình phạt tự nguyện...bây giờ nét đó đi đâu rồi ..ôi tiếc

    Trả lờiXóa