Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

CHÚC CÁC CỤ THÀNH ĐẠT

Chúc các cụ thành đạt!

Thằng  cháu ngoại tôi là một học sinh được ở trong “ đội nghi lễ ” của nhà trường, thỉnh thoảng lại được đi chào mừng các đại hội, hội nghị của địa phương. Một hôm cháu hỏi tôi:

-Ông ơi, hôm trước cháu đi chào mừng Đại hội đoàn thanh niên, đại biểu phát biểu và cuối buổi chúc các đoàn viên phấn đấu thành đạt. Lại một hôm khác ở hội nghị người cao tuổi, có đại biểu chúc các cụ mạnh khỏe, an khang và thành đạt. Vậy an khang là gì hả ông? thành đạt là gì hả ông? 


           
Chà,anh này hỏi hay thật. Nhưng trả lời cho cháu ngay cũng không dễ. Đành hẹn với cháu để ông tìm hiểu rồi giải thích cho cháu sau. Tôi nhẩm tính:  Cách  hay nhất là tra từ điển, rồi cùng đọc và  trao đổi với cháu,đỡ phải giải thích dài mà cháu có thể nhớ lâu. Tôi lại  còn muốn  giải thích  thêm cho cháu về  ý hiểu của mình nữa chứ !

        -  Này cháu ! Ông cháu ta cùng  đọc để thêm biết, ông “nói có sách mách có chứng” hẳn hoi. Theo cuốn Từ điển Từ Hán Việt do tác giả Lại Cao Nguyện chủ biên thì từ an có 2 nghĩa chính.

          + Nghĩa thứ nhất: an là  yên, êm.Thí dụ : Biến nguy thành an. Để giải thích cho từ này,có các từ ghép như bảo an,bình an,cầu an,công an,trấn an,trị an…để hiểu thêm nghĩa của từ và khả năng kết hợp của từ để hình thành các từ Hán Việt thông dụng.

          Ngoài ra , có các từ ghép mà từ an đang giải thích ( gọi là các điều ).Như từ điển đã liệt kê và giải thích: an bài,an bần lạc đạo,an cư lạc nghiệp,an dưỡng,an hưởng, an nhàn,an ninh, an sinh,an phận,an táng,an tâm,an thần,an tọa,an toàn,an trí,an ủi…Từ điển giải thích an khang có nghĩa là yên vui khỏe mạnh. Ví dụ: Cả gia quyến đều được an khang.

          + Nghĩa thứ  hai: an là cái  yên ngựa. Từ ghép : chinh an .
       Vậy có thể tạm hiểu rằng, trong lời chúc của  mình,vị đại biểu muốn chúc mọi người yên vui khỏe mạnh. Nhưng dùng liền mạnh khỏe, an khang là hơi thừa, giống như sông Hồng Hà, đường quốc lộ…có phải không cháu?

       Còn thành đạt là gì ư?

        Từ điển này giải thích từ Thành  có 3 nghĩa chính:
           + Nghĩa thứ nhất:  Thành là nên ( công thành danh toại, hợp thành, trưởng  thành); Thành là xong ( hoàn thành ); Thành là định sẵn; Thành là hóa ra, trở nên (Ví dụ: vượn biến thành người ); thành là 1phần mười ( Ví dụ :vàng mười thành). 
        Với nghĩa này , từ điển nêu các điều và có giải thích : thành bại, thành công,thành gia, thành hôn,thành khí, thành kiến, thành lập, thành ngữ, thành niên, thành phẩm , thành phần, thành quả, thành thân, thành thục,thành thử, thành tích , thành tựu, thành văn...
        Giải thích nghĩa của thành đạt, từ điển nêu vắn tắt:  Thành đạt:  Đi tới kết quả . Ví dụ: Học trò thành đạt nhiều.
          + Nghĩa thứ hai:  Thành là tường cao xây dựng quanh để bảo vệ .( Ví dụ: Thành cao hào sâu); Thành là thành phố…Các điều được từ điển giải thích : thành hoàng, thành lũy, thành quách, thành thị , thành trì…
          + Nghĩa thứ ba:  Thành là thực thà ( chí thành, chân thành, trung thành…). Các điều được từ điển giải thích :thành khẩn, thành kính, thành thực, thành tâm.
       Vậy có thể tạm hiểu rằng, trong lời chúc  các cụ thành đạt …của  mình ,vị đại biểu muốn chúc các cụ đi tới kết quả cháu ạ. 
                                                                        …….
-    Nhưng ông ơi, thế nào là đi tới kết quả để được gọi là thành đạt? Người như thế nào đáng được gọi là thành đạt? 
-    Cháu à, từ điển dù tốt đến đâu cũng không thể giải thích hết cho mọi người,vả lại mỗi người có nhận thức và quan điểm khác nhau, chỉ có thể đồng nhất với nhau ở một mức độ tương đối. Theo nhận thức chung của nhiều người , để được gọi là thành đạt và là  người thành đạt anh phải nổi tiếng, phải cố gắng đạt đến một kết quả nhất định trong cuộc sống. Ví dụ : làm đến chức nọ chức kia, có địa vị nhất định trong xã hội. Hoặc là bí thư,chủ tịch, giám đốc, trưởng phòng ban ở chỗ này chỗ khác. Cũng có thể là một doanh nhân có tầm cỡ, gia sản giàu có, biết kiếm tiền và biết tiêu tiền vào những công việc có ích, giúp đỡ cho nhiều người khác khó khăn hơn, được mọi người nể trọng . Hay cũng có thể là văn nghệ sĩ , những nhà khoa học có những tác phẩm, công trình nổi tiếng, để đời. Có thể là một sĩ quan gan dạ đã lập nhiều chiến công. Cũng có thể là những vận động viên đổ mồ hôi và sức lực giành được những tấm huy chương làm vẻ vang cho đất nước… Tóm lại,  họ phải là những người tốt , học tập và lao động hết mình , vì mình, vì mọi người, đạt được một số kết quả hơn người, khác người; ứng xử đúng mực , được mọi người yêu mến và nể trọng…
       Nhưng cháu à. Với cuộc sống thực tế hiện nay, riêng ông  tạm “ hạ thấp tiêu chuẩn “ của thành đạt một chút cũng chẳng sao. Một hôm, ông được mời đến dự cuộc họp mặt 20 năm sau khi ra trường của một lớp học sinh học chương trình bổ túc văn hóa. Phải nói trước kia các cô chú ấy vừa nghịch, vừa học yếu… các thầy cô rất lo lứa học trò này  sau này sẽ ra sao. Thế mà sau 20 năm, anh chị nào trong lớp cũng trưởng thành, tuy rất ít người nổi tiếng, làm ông nọ bà kia nhưng đều  là những công dân tốt, kinh tế khá giả, con cái ngoan ngoãn, đặc biệt là  không ai mắc tệ nạn xã hội cả .Ông khen họ thành đạt và họ thấy ông khen thực, động viên thực, họ cảm động lắm !

- Vậy muốn là người  thành đạt phải làm như thế nào ?

        -  Chắc là cháu đã biết nhưng  hỏi đùa ông rồi!  Như nãy cháu không phản đối ông, vậy thì ông cháu ta thống  nhất với nhau : Người thành đạt  phải là những người tốt , học tập và lao động hết mình , vì mình, vì mọi người, đạt được một số kết quả hơn người, khác người; ứng xử đúng mực với mọi người, được mọi người yêu mến và nể trọng…Muốn vậy, trước hết cháu phải chăm học. Học mọi nơi, mọi lúc. Học văn hóa, học nghề, học cách ứng xử. Học phân tích để biết điều hay lẽ phải , để biết điều gì, việc gì nên làm, nên theo hoặc không nên... các cháu còn ít tuổi càng phải học và rèn luyện nhiều, có thế mới đi tới kết quả tốt cháu ạ!

ảnh.JPG

        -  Vậy ông có là người thành đạt không ?
        -  Ông là một thầy giáo thường, dạy học gần 40 năm đã nghỉ hưu. Dưới con mắt của nhiều người, sao ông có thể xếp vào loại người thành đạt được ? Nhưng ông vẫn rất vui vì học trò ông có rất nhiều người thành đạt.
            - Cháu hiểu rồi. Cháu coi ông cũng là người  thành đạt. Hôm nay ông giảng cho cháu hiểu thế nào là thành đạt, cháu sẽ cố gắng học tập, phấn đấu để có thể đi tới kết quả  như ông nói. Nhưng cháu xin hỏi thêm : Chúc các cụ thành đạt thì có nên không, vì các cụ đã cao tuổi cả rồi?

          - Kể ra thì cũng chẳng có gì sai. Nhưng khi chúc tụng nhau, người ta thường chúc thành đạt với những người  trẻ tuổi. Đó là niềm mong mỏi, ước ao  của những người lớn tuổi với con cháu mình. Luôn mong cho con cháu thành đạt hơn mình và thế hệ mình. Các cụ xưa đã từng dạy bảo và mong rằng : Con hơn cha là nhà có phúc.

       

               Thế rồi ông cháu tôi bắt tay nhau.Ông chúc cháu sớm thành đạt, cháu chúc ông khỏe, vui./.

                                                                                                                                LÊ ĐÌNH NGẠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét