Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

ST: Uống nước nhớ nguồn (Báo Bắc Ninh)

Uống nước nhớ nguồn
Tháng 7 hàng năm đã trở thành tháng tri ân, hướng về nguồn cội để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ và chăm lo cho những thân nhân liệt sỹ, gia đình chính sách, các thương, bệnh binh những người đã bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường vì độc lập tự do của dân tộc. Những ngày này, tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đến những người có công với nước.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ân cần động viên, thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7-2012.

Bắc Ninh luôn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa khi 100% xã, phường làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. 100% người có công có mức sống bằng và cao hơn mức trung bình của người dân ở nơi cư trú. 100% gia đình chính sách được sống trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang và được thụ hưởng các dịch vụ xã hội. 100% người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, được đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe. 100% con thương binh, liệt sỹ đang học tập ở các bậc học Đại học, Cao đẳng, các cấp học phổ thông đều được miễn giảm học phí và được ưu tiên nhận vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Các thân nhân liệt sỹ thường xuyên được đi thăm viếng mộ liệt sỹ và tiếp nhận hài cốt liệt sỹ ở các chiến trường về an táng tại địa phương. 100% nghĩa trang ở các địa phương được nâng cấp, xây mới khang trang, sạch đẹp. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo… Những việc làm thiết thực này luôn được song hành với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.
Công tác đền ơn, đáp nghĩa đã trở thành phong trào rộng khắp, với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát, điều tra mức sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng có công với nước để kịp thời tham mưu với tỉnh về các chế độ, chính sách, chăm lo, giúp đỡ cho người có công. Nhờ đó mà 100% đối tượng người có công, gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân ở nơi cư trú.
Ngay trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã quyết định hỗ trợ xây tặng nhà tình nghĩa cho 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng và tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 63.410 lượt đối tượng người có công, với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Tổ chức cho 1.119 lượt người có công đi điều dưỡng tại Hà Nội, Hải Dương và Thanh Hóa...
Nhân ngày Thương binh-Liệt sỹ 27-7 sắp tới, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch thăm, tặng quà cho các đối tượng người có công, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức rà soát lại nhà ở cho người có công để có phương án sửa chữa hoặc xây mới kịp thời những ngôi nhà dột nát, giúp người có công có cuộc sống no đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần.
 
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP An Bình trao học bổng cho con thương binh, liệt sỹ trong toàn tỉnh.

Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác chăm lo gia đình chính sách đã được xã hội hóa rõ rệt. Ngoài sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cũng nhiệt tình chung tay chăm lo cho các gia đình chính sách. Có những đơn vị đã đồng hành với công tác đền ơn, đáp nghĩa từ nhiều năm nay như hệ thống các Ngân hàng trong tỉnh, Công ty Bảo việt Nhân Thọ, Công ty Phú Mỹ Hưng, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp...
Hàng năm, các doanh nghiệp đều tổ chức trao những suất học bổng giá trị cho con em gia đình chính sách, vừa giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, vừa là nguồn động viên, khuyến khích để các em thêm hăng say trong học tập và đóng góp tích cực vào Quỹ “đền ơn, đáp nghĩa” của tỉnh. Một trong những thành tựu lớn nhất trong công tác xã hội hóa chăm lo cho người có công đó là cuộc vận động, quyên góp để xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách. Nhờ vậy mà 100% gia đình chính sách đã có nhà ở khang trang. Nhiều hoạt động như xây dựng vườn cây tình nghĩa, chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công trong cộng đồng dân cư… được phát triển sâu rộng và duy trì thường xuyên, đi vào nền nếp, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống ở các khu dân cư.
Sự chăm lo gia đình chính sách, người có công còn được thể hiện ở việc hàng năm, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đến việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống các chính sách ưu đãi đối với người có công, nhằm hoàn thiện hệ thống Văn bản, chế độ chính sách phù hợp với các đối tượng và sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua đó giúp người có công vững tin hơn và tiếp tục cống hiến vào sự phát triển chung của xã hội, phát huy thế mạnh kiềng ba chân: Nhà nước- cộng đồng và đối tượng người có công.
Bài, ảnh: Hoài Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét