Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Bắc Nịnh Oline : Những dấu hiệu hồi sinh của văn hóa đọc


Những dấu hiệu “hồi sinh” của văn hóa đọc
Trong một thời gian tưởng chừng văn hóa đọc đọc bị các phương tiện truyền thông nghe, nhìn… lấn át dẫn đến sự khủng hoảng khá trầm trọng về văn hóa đọc. Thậm chí, có người còn nhận định rằng đã đến thời “khai tử” của văn hóa đọc. Nhưng sau một giai đoạn bão hòa trong “biển” thông tin hỗn tạp của sự nghe nhìn thì nay người ta bắt đầu nhìn thấy văn hóa đọc đang dần trở lại với những dấu hiệu khởi sắc.
Hẳn là nhiều người sẽ căn vặn, chúng ta đã bao giờ có văn hóa đọc mà nói là “hồi sinh”? Điều đó có thể hợp lý theo một khía cạnh hay góc nhìn nào đó chứ không hoàn toàn đúng vì văn hóa đọc là một phạm trù rất rộng. Đó là sự hợp thành của nhiều yếu tố như: Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Trong ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lại bao hàm thói quen, sở thích và kỹ năng đọc.

Bạn đọc mượn sách ở Thư viện tỉnh.

Dấu hiệu khả quan đầu tiên là sự thay đổi trong ý thức của người đọc. Bạn đọc đương đại ngộ ra rằng không thể thay thế văn hóa đọc bằng nghe nhìn. Chỉ văn hóa đọc mới có thể giúp cho người đọc có một nền tảng văn hóa căn bản vững bền. Và nếu thiếu nền tảng văn hóa cá nhân, trong đó có vai trò quan trọng của cái đọc thì mỗi cá nhân đã tự làm nghèo tâm hồn mình, dẫn đến làm nghèo cho cả cộng đồng xã hội. Trước công cuộc mưu sinh, nghề nghiệp trong xã hội hiện đại với tiết tấu gấp gáp như bây giờ thì ngay cả những người bận rộn nhất cũng đã ý thức được là càng bận càng phải đọc. Vì chỉ khi tiến hành cuộc độc thoại đơn chiếc với sách thì người ta mới có điều kiện tĩnh tâm, tĩnh trí để soi chiếu, suy ngẫm về những việc mình đã và đang làm hàng ngày.

Cán bộ thư viện chuẩn bị cho Ngày hội đọc sách tỉnh Bắc Ninh lần thứ 2-2013.

Đối với Bắc Ninh, để có thể đo được thị hiếu đọc sách của người dân hiện nay thì trước hết là đến các thư viện. Thay vì việc chỉ ngồi nhà xem ti vi hay lướt web thì người dân đã bắt đầu tìm đến thư viện. Căn cứ vào số thẻ bạn đọc thường xuyên ở thư viện hiện nay có thể khẳng định rằng văn hóa đọc đang ngày một khởi sắc. Nếu từ khi tái lập tỉnh cho đến tận năm 2007, trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh chỉ thu hút được vài trăm bạn đọc thường xuyên thì vài năm gần đây đã tăng lên hơn 3200 thẻ bạn đọc/năm. Đây không phải là con số vô nghĩa vì bây giờ, tất cả bạn đọc muốn có thẻ ở Thư viện tỉnh đều phải trả phí.
Ông Ngô Văn Thực, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Đối tượng bạn đọc đến thư viện ngoài hưu trí, học sinh, sinh viên còn có cả phụ huynh và người dân lao động tự do. Điều đó cho thấy, các bậc cha mẹ không thả nổi con em mình trong biển thông tin của các phương tiện nghe nhìn mà đã ý thức được việc định hướng cho con đọc gì và đọc như thế nào. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước là đối tượng cần đọc nhất lại rất ít đến thư viện.
Một tín hiệu đáng mừng khác là người đọc hôm nay đang háo hức tìm về những tác phẩm văn học kinh điển của các tác giả tên tuổi ở trong nước và ngoài nước. Cứ đến các cửa hàng sách, hiệu sách cũ và nhất là khu vực sách ở chợ Đọ (thành phố Bắc Ninh) sẽ thấy rõ sự đổi thay của cái đọc. Dù rằng, phần lớn việc đọc vẫn mang tính chạy theo phong trào hoặc bắt buộc vì công việc chứ không phải xuất phát từ niềm say mê. Nhưng khi thói quen hình thành dần sẽ có sự yêu mến. Hoặc nếu như thời gian trước, mỗi ngày ra phố lại xuất hiện thêm những nhà hàng, quán ăn mới thì nay đã nhìn thấy những biển hiệu sách mọc lên…
Gần đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, các cấp, các ngành đã thực sự quan tâm đến văn hóa đọc trong nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ và các đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức. Các phong trào, hoạt động xã hội nhằm khơi dậy, khích lệ và hình thành thói quen đọc sách cũng được tổ chức khá sôi nổi mang tầm quy mô Quốc gia, cấp tỉnh như “Ngày hội đọc sách” hàng năm là một minh chứng cụ thể.
Hy vọng với những dấu hiệu khả quan nói trên sẽ tạo thành thói quen và văn hóa đọc trong cuộc sống của chúng ta.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét