Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA - 13 - Trần Dực


THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 13 )

              TRẦN DỰC ( ĐỖ TUẤN ANH) 

                  Thơ Người làng Giữa (13) xin giới thiệu  chùm thơ của tác giả Trần Dực tức Đỗ Tuấn Anh - sinh 1928 hiện trú tại phường Mai Dịch Hà Nội.
                Ông Trần Dực là con thứ 3 của cụ Đỗ Thúc Hỗ (1904-1951) là người họ Đỗ ở Đại Mão. Cụ Hỗ mồ côi mẹ từ 5 tuổi, lúc nhỏ cụ được học một chút ít chữ nho, quốc ngữ hoàn toàn tự học. Hơn 10 tuổi, cụ Hỗ được ra HN học vẽ,có tác phẩm được trưng bày ở Nhà triển lãm Đấu Xảo ( nay là CLB Hữu Nghị ) HN, rồi về quê dựng Trại, là nơi lao động kiếm sống , là nơi dạy con. “Mình làm trại là mình làm mướn cho mình” ( Sau CCRĐ, trại được chia nhỏ cho nông dân, khoảng 40 hộ xóm 4 Đại Mão hiện giờ ở trên đất trại của cụ ). Vợ mất sớm, một mình gà trống nuôi con, cụ vẫn cho 2 con trai lớn đi kháng chiến. Đó là các ông:

          1 - Đỗ Nguyên Tiến ( 1926-1950)  Bí danh Trần Vũ - Lúc nhỏ ông Tiến được ra nhà cậu ở Thị xã Kiến An học tiểu học, rồi đi học nghề may, đi làm công ở SG, giác ngộ CM. Trước tháng 8 năm 1945, ông về Bắc tham gia khởi nghĩa ở Gia Bình, rồi phụ trách ủy ban Quân sụ huyện, huyện đội trưởng Gia Bính ( Bắc Ninh). Tháng 9 năm 1950 Pháp chiếm toàn bộ Bắc Ninh, hai huyện Gia Bình, Lương Tài sáp nhập thành Gia Lương, hội nghị được tiến hành ở  phía Bắc sông Đuống, ông được bầu là ủy viên Thường vụ Huyện ủy Gia Bình, phụ trách Chính trị viên Huyện Đội. Khi đoàn cán bộ vượt sông Đuống
về phía Nam phần  thì bị địch phục kích tại bến đò Đào Viên. Ông chống trả, bắn giặc quyết liệt nhưng bị trúng đạn và hy sinh dưới dòng nước, thi hài trôi về đâu không rõ.   
            Trong danh sách Liệt sĩ của quê hương Đại Mão ( Cuốn Đại Mão Làng quê  văn hiến ) ông là người thứ 2, sau ông Lê Nho Bổng .

            2- Đỗ Tuấn Anh – bí danh Trần Dực sinh năm Đinh Mão 1928. Lúc nhỏ, ông được học ở trường Bưởi, đỗ Trung học rồi Trung học Chuyên Khoa. Tháng 12-1944 tham gia Đoàn học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tại trường, đi bộ đội tháng 2 năm 1947, vào Đảng CS tháng 8 năm 1947.
            Ông từng giữ các chức vụ : Chính trị viên Trung đội 3, Đại đội Nghĩa quân (1947); Phó ban Chính trị Tỉnh đội BN ( 1948-1949); Phó ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên Khu Việt Bắc (1950); Trưởng ban Tuyên huấn Quân Khu Đông bắc (1955);  Chính ủy Trường Quân chính Quân Khu Đông bắc (1956-1957);  Tư lệnh Pháo Binh Quân Khu Đông Bắc ( 1964-1967); Tham muuw trưởng Pháo Binh mặt trận Tây Nguyên ( 1971-1972) và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam.

            Ông Trần Dực từng được đào tạo ở nước ngoài ( Tốt nghiệp Pháo Binh cao cấp Thẩm Dương TQ 1959- Học viện hải Quân Lêningrat ( Liên xô 1979 ) ; sử dụng được các ngoại ngữ Pháp, Trung Văn, viết tiếng Nga và khá thông chữ Hán. Là người dịch Bắc Ninh  Địa Dư chí của cụ Đỗ Trọng Vĩ, Âm chất diễn nôm của cụ Đỗ Dư… ông có nhiều công sức về việc biên dịch gia phả của dòng họ Đỗ Đại Mão, hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ( An Bình ).

            Người biên tập may mắn sưu tầm được một vài bài thơ của ông, xin phép vắng mặt cho đăng trên Thư viện Giữa làng.
               
            Bài thơ “ Bóng anh soi bóng em” ( qua tài liệu của  ông Đỗ Thiếu Khang ) tác giả Trần Dực làm năm 1955 nhân kỷ niệm và thắp hương tưởng nhớ ông Đỗ Nguyên Tiến ở bến Đào Viên, nơi Liệt sĩ hy sinh. Bài thơ “ Đất nước nặng ân tình” ( đăng trong tập Sông Đuống một thời nổi sóng _ NXB QĐND  Hà Nội 2010 ) ông đề tặng hương hồn các anh hùng liệt sĩ và Đồng chí Trần Vũ ( Đỗ Nguyên Tiến ) nói trên.

            Chúng ta hiểu thêm tinh thần cách mạng, tình yêu đất nước, quê hương quyện chặt với tình cảm gia đình của các thế hệ cha anh khi đọc 2  bài thơ của  Một Người làng Giữa đáng trân trọng và kính phục như ông.


       BÓNG ANH SOI ĐỜI EM

Bến Đào Viên nước mênh mông,
Dòng sông Đuống cuộn máu hồng anh ơi!
Quê hương man mác đất trời,
Bóng anh thấp thoáng soi đời em đi.

Nhớ khi tấm bé biết gì,
Có anh - bạn lớn chở che chơi cùng.
Chia nhau từng củ khoai lang,
Nghe anh đọc truyện trên giường ngủ say.
Đánh khăng, đánh đáo, trèo cây,
Tập bơi, suýt nữa phải ngày oan gia.
Êm đềm năm tháng trôi qua,
Xót đau mất mẹ, thương cha  khôn  cùng.

Thu về, hồn nước bừng bừng
Anh em đôi ngả núi rừng, quê hương.
Ngóng nhau tin tức chiến trường
Quặn chung khúc ruột đau thương đêm ngày
Kẻ thù độc  ác lắm thay,
Ngày mong gặp lại là ngày chia ly!

Anh ơi…
Hai mươi bốn tuổi trẻ trung
Sa có thất thế, anh hùng bó tay.
Quê hương đã khóc bao ngày
Hôm nay em lại đến đây khóc ròng.
Thắp nén hương ở bến sông,
Biết đâu anh đã ra cùng biển khơi

Sóng yên mây trắng lưng trời
Bóng anh lồng lộng soi đời em đi.
                                                      1955


                           ĐẤT NƯỚC NẶNG ÂN TÌNH

Những vòng hoa bồng  bềnh trên sóng,
Gửi ai đây, biển rộng mênh mông?
Gửi hồn thơm từ sông ra biển*,
Trên đảo xa bên mốc chủ quyền,
hay trên “tàu không số”, đứng oai nghiêm
Tự đánh chìm tàu khi tàu thù vây kín**

Hoa dập dờn đi vào bãi biển,
Ngắm cuộc sống đi lên, hạnh phúc dâng trào
Hay rung rinh hướng về đất mẹ tự hào,
Nơi bao hồn thơm ngậm cười từ thuở trước
Nơi nước mắt mồ hôi máu đổ theo từng bước,
Vọng tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, voi gầm
Rồi bão đạn mưa bom, máu trộn bùn non,
Từng tấc đất đều dát hoa chiến thắng,
Cho Tổ quốc anh hùng đẹp tươi bền vững
Với bờ xôi ruộng mật biển bạc rừng vàng
Ghi tên trời đất, cha ông
Giữ gìn khai thác hưởng chung muôn đời.

Anh linh an nghỉ ngậm cười,
Hãy xin chứng giám cho lời sắt son!

                                         Hà Nội, tháng 7 năm 2009

  • Liệt sĩ hy sinh trên sông trôi ra biển như Trần Vũ, Chính trị viên huyện đội Gia Lương
  • Phan Vinh , thuyền trưởng tàu 234 hải quân, chở vũ khí chi viện miền nam tự đánh chìm tầu và dũng cảm hy sinh trên biển  khi bị nhiều tầu giặc vây kín.
                        
                                               ---------o0o--------




---o0o---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét