Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

TỰ HÀO VỀ DÒNG HỌ


TỰ HÀO VỀ DÒNG HỌ

Tự hào: Lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có ( Từ điển Tiếng Việt 1992- Hoàng Phê chủ biên). Theo nghĩa được giải thích, mỗi người trong chúng ta đều có quyền tự hào về đất nước, quê hương. “ Đất nước bốn ngàn năm, ôi tự hào biết mấy…”. Mỗi người còn có thể tự hào về những cố gắng, những thành công nhất định của bản thân trong công tác, học tập; trong sản xuất, chiến đấu, góp một phần nhỏ bé cho công việc chung; tự hào về bố mẹ, anh chị em… những người thân yêu nhất trong gia đình nhỏ của  mình, một tế bào của xã hội.
Ở bài viết nhỏ này, tôi xin đề cập đến niềm tự hào về dòng họ của mỗi người, một gia đình lớn  trong quan niệm của nhân dân ta.
Từ xưa đến nay, ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, dòng họ gắn liền với đời sống tâm tư, tình cảm của mỗi người. Với người Việt ta, những người trong cùng một dòng họ thường sinh sống với nhau theo một tổ chức chặt chẽ, nghĩa tình.Cùng chung cội nguồn, máu mủ ruột rà, những người trong họ cùng nhau nêu cao, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại; nhất là truyền thống đoàn kết,  yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, cần cù lao động xây dựng gia đình, quê hương xóm làng, chăm chỉ học hành và chăm lo giáo dục con cháu.
Dòng họ cũng là cái nôi, là môi trường giáo dục con người. Những truyền thống đạo đức văn hóa , lao động học tập, chiến đấu sản xuất và những con người cụ thể trong họ nội, họ ngoại nhà mình đều có thể là cơ sở cho niềm tự hào chính đáng, là động lực vươn lên của mỗi người trong chúng ta.
Một ai đó có cụ nội, cụ ngoại đã từng xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc này; có cụ, có ông từng vượt khó vươn lên, học hành giỏi, đỗ  đạt cao, làm quan thanh liêm giúp dân giúp nước…Một ai đó có anh em trong họ trong nhà cần cù cơ chỉ làm ăn, kinh tế khá giả lại có tâm giúp anh em, hàng xóm…Một ai đó có các cháu, các con trong họ chăm ngoan học hành, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế…Những người có người nhà, người trong họ như thế có quyền tự hào lắm chứ !
Nhưng, ngày xưa cũng còn có những tự hào chưa hẳn đúng : tự hào là họ mình có lắm suất đinh, khuynh đảo xóm làng. Tự hào trong họ mình có  những người để dựa dẫm như cụ chánh, ông phó; rồi bí thư, chủ tịch quyền sinh, quyền  sát trong xã, trong thôn…



Chúng ta cùng về thăm thôn Đại Mão ( Thuận Thành- Bắc Ninh), một thôn lớn đông dân, lại nằm ở trung tâm của xã nên từ xưa còn có tên là Làng Giữa hoặc Trung Thôn. Khách xa đến thăm nơi đây đều có chung một nhận xét: Làng Giữa chưa hẳn là đẹp và giàu, nhưng chất lượng cuộc sống ở đây tương đối khá. Phải chăng khách khen nơi đây phong cảnh hữu tình; và một phần do nơi đây có nhiều nền nếp phong tục đẹp, con người cần cù chăm chỉ, sống vui ấm áp tình người?
Người Đại Mão có những nét đáng tự hào. Tự hào về quê hương, tự hào về dòng họ của mình và các dòng họ trong làng mình. Mười bẩy dòng họ nơi đây, dù to dù nhỏ đều rất tôn trọng quý mến, đoàn kết với nhau, không chia bè kéo cánh, cậy thế cậy quyền. các dòng họ đều gần gũi thân thiết với nhau, chung sức xây dựng quê hương; một vùng quê mà người dân các vùng xung quanh ngợi ca là Đất Văn hiến.

Một bà ở họ Lê Đình nói chuyện với bà họ Lê Nho với giọng tự hào: “Bà ạ! Ngày Xuân tế tổ vừa rồi các con cháu họ Lê Đình xa gần về đủ cả. Về để thắp hương bái tổ,  tưởng nhớ tổ tiên, gặp mặt anh em và tham gia đóng góp Quỹ Khuyến học của họ. Họ  nhà tôi còn tổ chức tổng kết thành quả một năm, khen và tặng quà cho nhiều cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong công tác, sản xuất ; tuyên dương khen thưởng các cháu học sinh giỏi… À bà ạ! Bố con nhà bác H. cháu ngoại 6 đời của các cụ tôi tận trên Lạc Thổ cũng về tưởng nhớ tổ ngoại…Đúng là “Nhân bản hồ tổ”, “Ẩm hà tư nguyên”. Chúng tôi lấy gương đó để giáo dục cháu con : Con cháu ngoại còn nhớ tới tổ tiên như thế, các con cháu nội phải  làm thế nào để phát huy truyền thống cha ông…”
Bà họ Lê Nho: “ Từ ngày họ nhà tôi tôn tạo được nhà thờ khang trang, việc tổ chức Xuân tế tổ thuận lợi , đàng hoàng lắm bà ạ! Nghe các ông đọc lại  bài “ Gia Huấn” của các cụ trên  nhiều lần mà lần nào nghe đọc lại tôi cũng cảm động lắm.Tôi đọc một đoạn cho bà nghe nhé:
               
                 Tình nghĩa cha con: Cha phải hiền, con phải hiếu.
Tình nghĩa vợ chồng : Phu x­ướng, phụ tùng.
Tình nghĩa anh em : Anh hòa, em kính ; trên hòa dưới thuận.
Tại hương lân : phải hết lòng yêu thương mà không yêu ghét.
Nếu làm quan: phải giữ thanh khiết, cẩn thận, cần mẫn làm đầu
 .

À, Quỹ Khuyến học của họ nhà bây giờ có khá lắm không?  Quỹ của họ nhà tôi có mấy chục triệu cơ đấy. Hôm vừa rồi ngoài việc khen các cháu, họ nhà tôi còn khen cả con cháu họ là ‘” giáo viên giỏi” nữa cơ đấy bà ạ!..
                           

                                               

Nghe câu chuyện của các bà, tôi thấy họ đều mang những nét hãnh diện, tự hào; niềm tự hào  đáng yêu ở một miền quê trong công cuộc đổi mới của đất nước…Mong sao, những niềm phấn khởi tự hào nho nhỏ ấy ngày càng được nhân lên, mới hơn, lớn đẹp hơn. 
Tôi cứ suy nghĩ miên man…Không được phép tự kiêu, nhưng mỗi chúng ta phải biết tự hào đúng mức và chính đáng. Quan trọng hơn là phải giáo dục thế hệ trẻ phải sống và phấn đấu như thế nào để ngày hôm sau càng có thể tự hào về ngày hôm nay.
 Chứ không phải  nhắc đến những câu chuyện ngày xưa với câu : “ Ngày xưa  như thế… bây giờ…” .


                                                                                               LÊ ĐÌNH NGẠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét