Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Danh Nhân Bắc Ninh : Nguyễn Cao


Nguyễn Cao - tấm gương yêu nước sáng ngời
Cách đây 176 năm, tại làng Cách Bi tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ), một con nguời đã được sinh ra mà tên tuổi của ông sau này gắn liền với giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Người đó chính là Nguyễn Cao.
Theo bài “Văn tự thuật”, Nguyễn Cao sinh năm Đinh Dậu (1837), là con của cử nhân Nguyễn Thế Hanh và bà Nguyễn Thị Điềm, một người con gái xinh đẹp, hiền thục thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Nguyễn Cao sớm sống trong cảnh mồ côi: năm 3 tuổi mồ côi cha, 4 tuổi mẹ qua đời. Người nuôi Nguyễn Cao khôn lớn chính là chị gái chỉ hơn ông có 5, 6 tuổi, bà nội và các chú ruột, nhưng người dẫn dắt Nguyễn Cao vào con đường khoa cử lại chính là anh rể họ Lê ở Yên Đinh, vì đã khuyên Nguyễn Cao đến học Cử nhân Phạm Công Hỷ ở Bảo Triện (nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Những người có công nuôi Nguyễn Cao ăn học là nhạc phụ và nhạc mẫu của ông thuộc dòng dõi Lê Doãn làng Đại Mão (nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành). Nhưng người giúp Nguyễn Cao quyết tâm vượt qua gian khó để đạt được học vị chính là thầy Ngô Phùng (Cử nhân làng Thạch Hà).
Năm 30 tuổi, Nguyễn Cao đỗ đầu kỳ thi Hương khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Hà Nội. Không giống hầu hết các sĩ tử thi đỗ rồi ra làm quan, Nguyễn Cao về quê dạy học.
Năm 1873, khi thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất, do có sự tiến cử của quan Tỉnh phiên là Phạm Thận Duật, vị Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh cấp cho Nguyễn Cao tấm bằng để theo việc quân và ông đã chiêu mộ trong vùng được hơn 1.000 nghĩa dũng. Tháng 10 năm đó, khi giặc Pháp từ Hà Nội tràn sang chiếm đóng Gia Lâm, Siêu Loại (nay là Thuận Thành), Nguyễn Cao đã lãnh đạo quân nghĩa dũng chặn đánh. Ngày 14 tháng 12 năm đó, nghĩa quân do Nguyễn Cao chỉ huy tấn công địch ở Gia Lâm, Siêu Loại, diệt nhiều giặc, bắt sống 150 tên, giải phóng một vùng rộng lớn.
Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước với Pháp, Nguyễn Cao cáo bệnh về quê. Quan tỉnh dâng sớ lên triều đình cử ông tham gia việc quân để đánh dẹp giặc cướp ở vùng rừng núi và ven sông. Vì có công đó, Nguyễn Cao được trao cho chức Tri huyện Yên Dũng. Tiếp đó, Nguyễn Cao có công giúp triều đình mộ quân, thu lương và phòng giữ trật tự trị an trong hạt nên được Tổng đốc Bắc Ninh dâng sớ tiến cử ông làm Tri phủ Lạng Giang.
Khi nhà Thanh phái 24 doanh đội sang phối hợp cùng triều đình nhà Nguyễn tiễu phỉ, Nguyễn Cao lãnh đạo dân trong hạt cung ứng dân phu, lương thực rất đầy đủ, quan tỉnh dâng sớ lên triều đình xin thăng chức Thị độc cho ông, nhưng vì có bệnh Nguyễn Cao xin về quê trị bệnh và ở luôn nhà để dạy học. Sau đó, vì có bọn thổ phỉ Trung Quốc do Lý Dương Tài cầm đầu sang quấy nhiễu các tỉnh miền Bắc nước ta, quan tỉnh có văn thư mời ông trở lại quan trường để cùng lo việc quân. Đến năm 1880, quan Đốc bộ Nam Định là Nguyễn Trọng Hợp dâng sớ tiến cử Nguyễn Cao vào chức Thương biện tỉnh vụ Nam Định, vài tháng sau Nguyễn Cao được thăng chức Án sát sứ ty.
Tháng Giêng năm 1881, Nguyễn Cao xin lên vùng biên giới để lãnh đạo việc khai khẩn đồn điền. Do có thành tích nên được thăng lên chức Bố chánh sứ Thái Nguyên. Sau đó, ông xin về Nhã Nam giúp dân chuyên lo việc khai khẩn đồn điền.
Năm 1882, thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ 2, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ lần lượt bị giặc chiếm đóng. Với tấm lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Cao lại đứng lên kêu gọi dân chúng tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ và ông đã chỉ huy các dũng sĩ dưới quyền kéo về vùng ngoại thành Hà Nội chống Pháp. Ngày 10 tháng 4 năm 1882 (âm lịch), trong một trận đánh với quân Pháp ở Gia Lâm, Nguyễn Cao bị thương vào ngực. Vết thương rất nguy hiểm nhưng ông vẫn giữ vững cương vị người chỉ huy, nêu tấm gương kiên cường cho binh sĩ noi theo. Sau khi chữa lành vết thương, Nguyễn Cao tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chống giữ vùng ven sông Cầu để chặn đánh quân Pháp tiến đánh thành Bắc Ninh, rồi lại đem các nghĩa dũng chống giữ các dải ven sông.
Năm 1884, tỉnh Bắc Ninh đã lọt vào tay quân Pháp. Ngày 25 tháng 2 năm 1884, với lực lượng 300 tay súng và hơn 700 giáo mác, Nguyễn Cao đã mưu trí chỉ huy nghĩa quân chiếm lại Phả Lại từ tay giặc rồi tiếp tục chặn đánh, cầm chân địch tại các làng Cung Kiệm, Xuân Hòa, Nội Doi. Ngày 12 tháng 3 năm 1884, Nguyễn Cao chỉ huy nghĩa quân bắn chìm một tàu chiến, diệt hơn 40 tên giặc khi chúng đang di chuyển trên sông Cầu. Tháng 7 năm đó, nghĩa quân do Nguyễn Cao chỉ huy tấn công giặc Pháp ở Ngọc Trì, rồi di chuyển đến Đình Bảng và hoạt động mạnh ở đó.
Năm 1885, Nguyễn Cao được thăng chức Bố chính sứ, sung chức Bắc kỳ Tán lý quân vụ và về Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên thành lập tổ chức “Đại Nghĩa đoàn” (còn gọi là Tam tỉnh nghĩa đoàn) nhằm liên kết dân nghĩa dũng đứng lên chống thực dân Pháp.
Sau những trận quyết chiến với giặc Pháp ở vùng Dâu thuộc huyện Siêu Loại (Thuận Thành), tháng 12 năm 1886, Nguyễn Cao chỉ huy nghĩa quân chuyển về hoạt động ở vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Đông cũ) chờ cơ hội để củng cố lực lượng. Thời gian này, Nguyễn Cao mở lớp dạy học ở Kim Giang (thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Đông cũ).
Ngày 27 tháng 3 năm 1887, giặc Pháp bắt được Nguyễn Cao tại làng Kim Giang. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ, thuyết phục ông đầu hàng, nhưng ông giận dữ chửi thẳng vào mặt chúng, rồi rạch bụng tự vẫn. Giặc toan cứu chữa, nhưng ông cự tuyệt và cắn lưỡi quyên sinh.
Nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng, giặc Pháp vội ra lệnh chém đầu ông vào lúc 5 giờ chiều ngày 14 tháng 4 năm 1887 (tức ngày 21 tháng 3 năm Đinh Hợi) tại vườn Dừa (phía Bắc hồ Hoàn Kiếm) rồi lấy thủ cấp ông bêu trên đường phố.
Cuộc đời Nguyễn Cao mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước để các thế hệ sau noi theo.
                                                                                         Nguyễn Quang Khải ( Báo Bắc Ninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét